Bảo lãnh dự án bất động sản, vàng thau lẫn lộn

Những tưởng sau khi quy định về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực, quyền lợi của người mua nhà sẽ được đảm bảo. Thế nhưng, rủi ro với khách hàng vẫn còn bởi “đánh lận con đen” trong hoạt động này.
Người mua nhà cần tham khảo kỹ trước khi xuống tiền mua nhà tại các dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Ảnh: Dũng Minh
Người mua nhà cần tham khảo kỹ trước khi xuống tiền mua nhà tại các dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Ảnh: Dũng Minh

Cuối tháng 2/2016, Sở Xây dựng Hà Nội chính thức công bố danh sách các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán hàng theo quy định. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách 26 dự án này thì nhận thấy, nhiều dự án đã rầm rộ mở bán trước đó nhiều tháng trời.

Chẳng hạn, Dự án Hà Nội Landmark 51 tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông mãi tới ngày 3/11/2015, Sở Xây dựng Hà Nội mới có văn bản xác nhận đủ điều kiện bán nhà, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, từ tháng 8/2015, Sàn giao dịch Bất động sản Hoàng Vương đã rầm rộ quảng cáo bán căn hộ tại dự án này.

Theo Nghị định 71 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản 2010 (Nghị định này đến cuối tháng 12/2015 mới hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản 2014), doanh nghiệp được quyền huy động vốn khi dự án chưa đủ điều kiện bán hàng, nhưng không quá 20% sản phẩm dự án. Việc mở bán công khai được tiến hành khi dự án đã hoàn thành phần móng công trình và có sự các nhận của Sở Xây dựng.
Hay tại Dự án 219 Trung Kính của Công ty TNHH 19-12 Bắc Hà, Sàn Giao dịch VUD đã rao bán từ tháng 8/2015, nhưng đến 21/1/2016, Sở Xây dựng mới có văn bản xác nhận đủ điều kiện bán nhà. Tương tự, Dự án nhà chung cư CT9, Khu đô thị Mộ Lao (quận Hà Đông) của Capitaland Hoàng Thành, phải đến ngày 28/12/2015 mới đủ điều kiện bán nhà theo thông báo của Sở Xây dựng, nhưng từ tháng 10/2015, dự án này đã được một đơn vị phân phối giới thiệu và chào bán căn hộ trên thị trường…

Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn Nhà đất 24h thừa nhận, khi thị trường bất động sản nóng lên, rất nhiều sàn giao dịch đã tận dụng cơ hội để chào bán sản phẩm ra thị trường dù dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Trong bối cảnh nguồn cung căn hộ tăng cao, hình thức huy động vốn này được chính các chủ đầu tư tiếp tay, đồng ý.

Mặc dù việc “lách luật” huy động vốn diễn ra khá phổ biến, nhưng theo ông Quỳnh, việc chủ đầu tư và sàn giao dịch bán hàng bằng hình thức nhận đặt cọc mua nhà lại không vi phạm luật. Bởi hợp đồng mua bán chỉ được chủ đầu tư và khách hàng ký kết khi dự án đủ điều kiện bán nhà.

Đại diện chủ đầu tư Công ty HD Mon, chủ đầu tư Dự án Mon City - dự án đầu tiên trên địa bàn Hà Nội chính thức trao chứng thư bảo lãnh cho khách hàng - cho biết, việc huy động vốn của một số doanh nghiệp khi dự án chưa đủ điều kiện bán hàng thời gian qua là có. Thậm chí, ngay cả khi các doanh nghiệp bất động sản rất ý thức trong việc giữ gìn và xây dựng uy tín, nhất là việc đảm bảo tiến độ dự án như hiện nay, thì khách hàng vẫn có thể gặp rủi ro.

Theo quy định, chủ đầu tư phải có bảo lãnh của ngân hàng cho cả dự án nhà ở, nhưng thực tế, theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, chủ đầu tư chỉ thỏa thuận với ngân hàng phát hành giấy bảo lãnh cho từng căn hộ theo giá gốc chủ đầu tư bán cho nhà đầu tư thứ cấp mua sỉ (đa số các trường hợp nhà đầu tư thứ cấp mua sỉ là người thân, công ty sân sau của chủ đầu tư, các cổ đông của công ty chủ đầu tư) với giá rất thấp, nhiều trường hợp chỉ bằng 60 - 70% giá mà nhà đầu tư thứ cấp bán cho khách hàng thông qua sàn giao dịch.

Khi bán lại cho người có nhu cầu mua nhà để ở, bằng các thủ thuật về hợp đồng mà không phải người mua nhà nào cũng nắm rõ, chủ đầu tư thứ cấp đã qua mặt và thực tế, người mua nhà chỉ được bảo lãnh 60 - 70% giá trị căn hộ.

Một chuyên gia bất động sản cho rằng, với việc cấu kết này, chủ đầu tư đã né được một khoản thuế lớn phải nộp cho Nhà nước, trong khi rủi ro người mua nhà cuối cùng phải gánh chịu.