Bất chấp cảnh báo rủi ro, giá đất ở các tỉnh thành phía Nam vẫn "sốt"

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Làn sóng nhà đầu tư cá nhân tìm về các tỉnh thành phía Nam mua đất ngày càng tăng, bất chấp những rủi ro được các cơ quan chức năng cảnh báo gần đây.
Khách đến công chứng chuyển nhượng bất động sản vẫn đông nghẹt. Ảnh: Gia An
Khách đến công chứng chuyển nhượng bất động sản vẫn đông nghẹt. Ảnh: Gia An

Từ đầu tháng 4/2022 đến nay, tại nhiều tỉnh thành phía Nam, "cơn sốt" săn đất của khách hàng vẫn chưa dừng lại. Không chỉ đất ở, mà ngay cả đất nông nghiệp, đất rẫy, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp đều được tìm mua, bất kể gần, xa.

Theo khảo sát của phóng viên, tại thôn 5C, xã Ea Hiao, huyện EaH’leo, tỉnh Đắc Lắc, một mảnh đất rẫy có diện tích hơn 9.000 m2 (trong đó có hơn 100 m tiếp giáp với trục đường liên xã) vừa mới rao bán đã có người mua ngay với giá 2 tỷ đồng. Những lô đất rẫy, đất ở quanh khu vực này thường được giao dịch rất nhanh, dù giá trị lên tới hàng tỷ đồng.

Bà Lệ, một người dân ở Quảng Trị vào lập nghiệp ở đây đã lâu cho biết, từ hai năm nay, người dân ở Sài Gòn tìm về đây mua đất rất đông. "Họ mua bán khá nhanh gọn, 'tiền tươi thóc thật' và nhiều người trong số đó đã trúng đậm do giá đất tăng mạnh. Cứ thế, mua xong rồi bán lại kiếm lời, khiến cơn sốt đất nóng dần lên", bà Lệ chia sẻ.

Ông Tùng, trước đây sinh sống ở TP.HCM, nay chuyển cả gia đình về thị trấn Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc cho hay, cuối năm ngoái mua một mảnh đất ở bờ hồ Ea Kar với giá 200 triệu đồng/mét ngang định để làm nhà, nay lô đất đó có người trả 330 triệu đồng/mét ngang song chưa muốn bán.

“Đất ở đây giờ cao như đất Thành phố”, ông Tùng chia sẻ và nhận định, thị trường ở đây rất dễ đóng băng vào thời điểm cuối năm nay bởi đã trải qua một quá trình "sốt" mạnh. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng đủ tỉnh táo để đoán định được tình hình, bởi việc làm giàu từ mua bán đất chưa bao giờ dễ dàng như hiện nay.

Những lô đất rẫy cũng được mua bán rất nhanh, dù giá trị những lô đất ấy toàn tiền tỷ. Ảnh: Gia An

Những lô đất rẫy cũng được mua bán rất nhanh, dù giá trị những lô đất ấy toàn tiền tỷ. Ảnh: Gia An

Ghi nhận từ các văn phòng công chứng cho thấy, kể từ khi việc kê khai giá trong giao dịch bất động sản bị siết lại, tình hình giao dịch vẫn không có dấu hiệu chững lại. Tất cả các ngày trong tuần, ở hầu hết phòng công chứng, khắp các tỉnh thành phía Nam, khách đến công chứng mua bán đất vẫn đông nghẹt.

Ông Thắng, một công chứng viên đang làm việc tại Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, có nhiều hồ sơ đã bị cơ quan thuế trả lại do có dấu hiệu khai báo giá trị mua bán bất động sản thấp hơn nhiều lần so với giao dịch thực tế. Động thái này sẽ giúp gia tăng nguồn thu từ thuế chuyển nhượng bất động sản cho nhà nước, đồng thời hạn chế bớt những người chuyên đầu cơ, tạo sóng đối với thị trường bất động sản.

Mặc dù tín dụng bất động sản đã bị siết lại, nhưng lượng tiền trong dân đổ vào bất động sản vẫn cứ tăng đều đặn. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, rất nhiều hồ sơ của khách hàng vay vì mục đích tiêu dùng, sửa chữa nhà cửa, nhưng dòng tiền sau đó lại chuyển vào đầu tư bất động sản.

Không chỉ thời điểm hiện tại mà suốt thời gian qua, nhiều hội thảo xoay quanh chủ đề tín dụng bất động sản cũng đã được tổ chức. Những rủi ro cũng đã được nhiều chuyên gia cảnh báo và chỉ ra, nhưng cơn khát đất vẫn sục sôi mỗi ngày. Theo các chuyên gia, một thị trường khi mất cân đối cung - cầu và thiên về đầu cơ nhiều hơn đầu tư chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy. Vì vậy, người mua cần phải tỉnh táo, đừng biến mình thành nạn nhân khi bị mắc cạn sau cơn lướt sóng đất.

Tin cùng chuyên mục