Lợi nhuận nửa đầu năm 2019 của Coteccons về mức thấp nhất 4 năm trở lại đây. Ảnh: Song Lê |
Rủ nhau đi xuống
Với Hòa Bình, trong 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 9.032 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy vậy lợi nhuận sau thuế của Công ty lại giảm tới 42% so với nửa đầu năm 2018, đạt 172 tỷ đồng. Chi phí giá vốn tăng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Hòa Bình sụt giảm mạnh. Trong 6 tháng, chi phí giá vốn của Công ty tăng tới 15%, nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu.
Tương tự như Hòa Bình, “ông lớn” Coteccons khép lại 6 tháng đầu năm 2019 với tình hình doanh thu và lợi nhuận đều lao dốc mạnh. Cụ thể, doanh thu giảm 20% so với nửa đầu năm 2018 (từ 12.613 tỷ đồng về 10.037 tỷ đồng), lợi nhuận về mức thấp nhất 4 năm trở lại đây, đạt 312 tỷ đồng (giảm 57%).
Kết quả hoạt động kinh doanh 5 năm gần nhất của Coteccons cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm hơn 39%, con số doanh thu tuyệt đối tăng mạnh từ 7.634 tỷ đồng năm 2014 lên mức 28.561 tỷ đồng năm 2018. Thậm chí, Công ty từng đạt mức tăng trưởng doanh thu cao nhất 50 - 80% trong giai đoạn 2014 - 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt mức tăng trưởng ấn tượng hơn, từ mức 357 tỷ lên 1.510 tỷ đồng (giai đoạn 2014 - 2018); trong đó Coteccons chạm tốc độ phát triển 100% giai đoạn 2014 - 2016 và tỷ lệ tăng trưởng kép bình quân đạt 43%/năm.
Kết quả kinh doanh không mấy ấn tượng cũng khiến giá cổ phiếu CTD của Coteccons và HBC của Hòa Bình đều lao dốc. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu CTD đã giảm tới 30%, từ mức 160.000 đồng/cổ phiếu về quanh 113.000 đồng/cổ phiếu. Còn cổ phiếu HBC hiện cũng chỉ được giao dịch quanh mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 39.200 đồng thiết lập vào tháng 10/2017.
Gặp khó từ thị trường bất động sản
Kết quả kinh doanh không mấy tích cực của Hòa Bình, Coteccons và nhiều nhà thầu xây dựng khác đã sớm được dự báo từ đầu năm.
Ngay tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Coteccons diễn ra vào đầu năm 2019, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Thành viên HĐQT Coteccons - chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Công ty. Đó là thị trường BĐS có nhiều khó khăn, ngân hàng giảm vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn còn 40% thay vì 45% dẫn đến vốn ngắn hạn cho BĐS giảm đáng kể. Ngoài ra, không chỉ ở TP.HCM, Hà Nội có 2.532 dự án đang bị rà soát mục đích sử dụng đất, Đà Nẵng cũng chung tình hình, dẫn đến tình hình triển khai dự án rất chậm.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Hiệp thừa nhận, 4 tháng đầu năm 2019, Coteccons chưa ký thầu được dự án nào. “Thị trường BĐS trầm lắng, căng thẳng “đánh” trực tiếp vào đơn vị thi công”, ông Hiệp nói.
Báo cáo tổng quan thị trường BĐS quý II/2019 của JLL cho biết, nguồn cung căn hộ mới ở thị trường Hà Nội và TP.HCM đang ở mức thấp. JLL cũng nhận định, lượng chào hàng từ các dự án trên thị trường trong 6 tháng qua đạt mức thấp nhất kể từ khi thị trường phục hồi vào năm 2014.
Trong khi đó tại TP.HCM, báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường này đang phải đối mặt với tình trạng ảm đạm về nguồn cung lẫn thanh khoản trong nửa đầu năm 2019. 6 tháng đầu năm 2019 chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND Thành phố công nhận chủ đầu tư, và chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai, với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án (giảm 29,4%) và giảm 2.336 căn (giảm 24,2%) so với cùng kỳ năm 2018.