Để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển, nhiều chủ đầu tư các khu công nghiệp đang rầm rộ triển khai thêm dự án. Ảnh: Lê Tiên |
Chớp thời cơ
Bất chấp dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, bất động sản công nghiệp Việt Nam được các công ty nghiên cứu nhìn nhận tích cực và đầy triển vọng. Động lực cho ngành này khởi sắc đến từ nhu cầu thuê đất của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt, khi mà cả Mỹ và Nhật Bản mới đây kêu gọi doanh nghiệp các nước này rời khỏi Trung Quốc đại lục.
Một báo cáo vừa được hãng nghiên cứu CBRE công bố cho thấy, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại các thành phố và tỉnh sản xuất lớn của Việt Nam tăng cao. Tại miền Bắc, giá chào thuê từ 65 đến 260 USD/m2/chu kỳ thuê. Tại các vùng công nghiệp miền Nam, giá chào thuê rơi vào khoảng 80 - 300 USD/m2/chu kỳ thuê. Dù giá thuê đất khu công nghiệp tại Việt Nam tăng mạnh, nhưng với mức giá trung bình 103,5 USD/m2/chu kỳ thuê, Công ty CP Chứng khoán VNDirect đánh giá đây vẫn là mức thấp thứ hai trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á, chỉ cao hơn giá thuê đất tại Myanmar.
Để đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ Trung Quốc, nhiều chủ đầu tư các khu công nghiệp đang rầm rộ triển khai thêm dự án. Chỉ trong vòng 3 ngày từ 15 đến 17/5/2020, trên địa bàn tỉnh Long An đã có 2 khu công nghiệp được động thổ, gồm: Khu công nghiệp Việt Phát (huyện Thủ Thừa) và Khu công nghiệp Đức Hòa III (huyện Đức Hòa).
Trước tình hình giá cao su bất lợi, các doanh nghiệp cao su cũng trưng dụng đất cao su để tạo lập quỹ đất cho việc triển khai các khu công nghiệp. Mới đây, Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, doanh nghiệp chuyên kinh doanh cho thuê khu công nghiệp tại Bình Dương, được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý thu hồi 345 ha đất của Công ty Cao su Phước Hòa để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2.
Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cũng gửi thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư 3 dự án khu công nghiệp mới tại TP. Đà Nẵng, gồm: Khu công nghiệp Hòa Nhơn (360 ha); Khu công nghiệp Hòa Cầm 2 (120 ha); Khu công nghiệp Hòa Ninh (400 ha).
Ông John Campbell - Quản lý Bộ phận Tư vấn công nghiệp thuộc Savills TP.HCM cho biết: “Hiện có rất nhiều công ty Mỹ và Nhật Bản dần rời khỏi thị trường Trung Quốc, và Việt Nam là sự lựa chọn hợp lý, rõ ràng nhất ở khu vực Đông Nam Á”.
Đột phá để hấp thụ vốn FDI
Mặc dù nhận định Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới, song vẫn có nhiều ý kiến quan ngại về khả năng của Việt Nam trong việc hấp thụ làn sóng dịch chuyển FDI này. Lý do liên quan đến những thách thức như rủi ro chuyển tải, nguy cơ bị áp thuế cao do mất cân bằng thương mại, hạn chế về hạ tầng và hệ sinh thái các nhà sản xuất thiết bị gốc.
Theo CBRE, thời gian và chi phí vẫn là các yếu tố chính được xem xét. Đối với các doanh nghiệp mới hoạt động tại Việt Nam, nguồn vốn, chi phí và thời gian cho việc xây dựng một nhà xưởng tiêu chuẩn có thể sẽ cao hơn nhà xưởng được xây dựng sẵn và tích hợp các tiện ích hỗ trợ.
Đồng quan điểm, ông John Campbell cho rằng, còn một số yếu tố trong lĩnh vực công nghiệp cần phải được nâng cấp và cải thiện như hạ tầng, hậu cần, giá đất... Mặc dù đã được cải thiện rất nhiều trong vài năm qua, chi phí hậu cần ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao trong khu vực châu Á. “Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng, giao thông… nhằm giảm chi phí này. Giá đất cũng đã và đang tăng nhanh trong vài năm qua do nhiều quốc gia quyết định chuyển hướng đầu tư vào thị trường Việt Nam, khiến nguồn cầu tăng mạnh”, ông John khuyến nghị.
Giới đầu tư cho rằng, để cụ thể hóa cơ hội này, Việt Nam cần có bước đột phá về hạ tầng, logistics. Nếu chỉ thúc đẩy đầu tư nhanh các khu công nghiệp thì không phải là công thức hoàn hảo.
Theo tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc, việc chống dịch tốt trong thời gian qua có thể tạo được thiện cảm, nhưng chỉ là điểm cộng nhỏ trong thu hút FDI chứ không phải là lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với Indonesia, Malaysia và Thái Lan… về sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và chất lượng thể chế.