Bất động sản công nghiệp trước thách thức chưa có tiền lệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, bất động sản (BĐS) công nghiệp không chỉ phát triển về quy mô mà còn về chất lượng, tính bền vững và mức độ tích hợp công nghệ. Môi trường kinh tế - chính trị, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng tăng là những yếu tố thuận lợi cho BĐS công nghiệp phát triển.
Đến đầu năm 2025, cả nước có 301 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Ảnh: Lê Tiên
Đến đầu năm 2025, cả nước có 301 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, việc Mỹ áp thuế quan đối ứng 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam đang đặt ra thách thức chưa có tiền lệ cho phân khúc BĐS này.

Nhiều kết quả nổi bật

Theo báo cáo cập nhật gần nhất, đến đầu năm 2025, cả nước đã có 431 khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất được thành lập, với tổng diện tích khoảng 132,3 nghìn ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89,9 nghìn ha. Trong đó, 301 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút lượng vốn đầu tư lớn. Tỷ lệ lấp đầy bình quân tại các KCN miền Bắc đạt 83% với các tỉnh, thành nổi trội như: Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên. Trong khi đó, các KCN ở miền Nam đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 92%, dẫn đầu là Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An.

Ông Mai Trí Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phúc Long, chủ đầu tư KCN Phúc Long (tỉnh Long An) cho biết, năm qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục đà tăng, cộng với hạ tầng logistics được đầu tư mạnh mẽ khiến nhu cầu đất KCN tăng mạnh. KCN Phúc Long đã được Công ty Phúc Long đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, trở thành tâm điểm thu hút vốn đầu tư với tỷ lệ lấp đầy 100%. Các doanh nghiệp hoạt động ổn định, tạo ra doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Công ty Phúc Long đang mở rộng KCN này thêm 328,8 ha với vốn đầu tư 5.642 tỷ đồng. KCN Phúc Long mở rộng sẽ tạo không gian đầu tư hoàn thiện với các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, bắt nhịp được xu thế phát triển và nhiều giá trị mới như Net-zero, bền vững, công nghệ cao.

Ứng phó với thách thức mới, Việt Nam đang triển khai một loạt biện pháp như: đối thoại tham vấn song phương để Mỹ chấp thuận mức thuế đối ứng hợp lý, minh bạch; hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam...

Năm 2024, Việt Nam đạt được những kết quả nổi bật trong thu hút và giải ngân vốn FDI. Theo đó, tổng vốn FDI bao gồm đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt gần 38,23 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, chiếm 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đến cuối năm 2024, Việt Nam có 42.002 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 502,8 tỷ USD. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 3 tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn giải ngân đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 7,2%.

Bên cạnh đó, công cuộc đầu tư hạ tầng chiến lược đang “nở rộ” với loạt công trình cao tốc, năng lực thông hành lớn, nhiều cảng hàng không… thúc đẩy hình thành các trung tâm công nghiệp - logistics mới tại Long An, Bình Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Hai yếu tố trên tiếp tục tạo thuận lợi cho thị trường BĐS công nghiệp. Theo báo cáo đầu năm 2025 về BĐS công nghiệp của Savills Việt Nam, tổng diện tích đất công nghiệp quốc gia đạt hơn 38.200 ha từ các KCN đang hoạt động, tăng 5% so với năm trước. Ông Thomas Rooney, Phó Giám đốc Bộ phận Dịch vụ BĐS công nghiệp thuộc Savills Hà Nội nhận định, Việt Nam đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ lớn nhờ vị trí địa lý thuận lợi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Làn sóng FDI đầu tư vào các dự án công nghệ cao và các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) thúc đẩy nhu cầu về hạ tầng, nhà xưởng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường BĐS công nghiệp.

Ứng phó thách thức mới

Đánh giá của các nhà quản lý và giới chuyên gia tại một số hội thảo chuyên ngành cho thấy, nhu cầu BĐS công nghiệp của Việt Nam chịu tác động bởi yếu tố quan trọng hàng đầu là dòng vốn FDI. Thị trường BĐS công nghiệp luôn phải đối mặt với thách thức cạnh tranh địa kinh tế, chuyển dịch chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu tiềm ẩn nhiều ẩn số bất định, đòi hỏi có sự ứng phó linh hoạt từ điều hành vĩ mô cũng như từ phía các doanh nghiệp. Việc Mỹ áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế đang mở ra “cuộc chiến thuế quan” toàn cầu. Mức thuế 46% tác động mạnh tới kinh tế Việt Nam, làm dấy lên lo ngại sụt giảm kim ngạch xuất khẩu kéo theo suy giảm dòng vốn FDI, ảnh hưởng đến nhu cầu BĐS công nghiệp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho rằng, mức thuế đối ứng nói trên là rào cản lớn cho các tập đoàn đa quốc gia đang có nhà máy tại Việt Nam. Nhà đầu tư FDI có thể phải giảm hoặc tạm hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam do chi phí tăng cao, dẫn tới giảm nhu cầu thuê đất, nhà xưởng tại các KCN. Theo ông Châu, các doanh nghiệp BĐS công nghiệp cần chủ động lập kế hoạch, tính toán phân kỳ đầu tư hợp lý, linh hoạt quy mô và thời điểm triển khai để phù hợp với biến động thị trường và dòng vốn FDI.

Thực tế, thay vì mở rộng đầu tư, nhiều nhà đầu tư có xu hướng trì hoãn, quan sát tình hình. Sự dịch chuyển dòng vốn FDI và cả chuỗi cung ứng toàn cầu có thể đổi hướng sang các quốc gia có lợi thế cạnh tranh về chi phí với mức thuế thấp hơn. Hệ quả là lĩnh vực BĐS công nghiệp và dịch vụ logistics tại Việt Nam có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Ứng phó với thách thức mới này, Việt Nam đang triển khai một loạt biện pháp như: đối thoại tham vấn song phương qua các kênh ngoại giao để Mỹ chấp thuận mức thuế đối ứng hợp lý, minh bạch; hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Việt Nam có tác động ngược lại chính quyền Mỹ, chứng minh thiệt hại nếu áp dụng chính sách thuế này. Để giảm thiểu căng thẳng, tiến tới cân bằng thương mại bền vững, Việt Nam đã bày tỏ sẵn lòng giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ về mức 0%, tăng cường nhập khẩu các sản phẩm từ Mỹ nhằm giảm thặng dư thương mại giữa hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực tìm kiếm thị trường thay thế và đề xuất các giải pháp thích ứng để giảm thiểu tác động tiêu cực từ mức thuế mới. Chính phủ cũng đang xem xét điều chỉnh chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái và các rào cản phi thuế quan để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức này.

Một số doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN cho rằng, lo ngại suy giảm dòng vốn FDI, xuất khẩu trước mắt là hiện hữu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tái cấu trúc thị trường, đa dạng hóa nguồn khách hàng. Với việc Chính phủ kích hoạt nhiều biện pháp ứng phó, kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua thách thức để tiếp tục phát triển. Về lâu dài, thị trường BĐS công nghiệp Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn lớn. Doanh nghiệp cũng cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu, những cơ hội và thách thức luôn chuyển hóa khó lường, điều quan trọng là cần chủ động ứng phó với tâm thế sẵn sàng.

Tin cùng chuyên mục