Bất động sản công nghiệp Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khác với các phân khúc khác, thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực sau khi mở cửa trở lại các đường bay quốc tế. Hàng loạt dự án nhanh chóng thu hút lượng vốn đầu tư từ nước ngoài và xu hướng đầu tư bất động sản xanh ngày càng được chú trọng.
Việt Nam với các yếu tố thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, xã hội vẫn là điểm đến đầu tư được nhiều nhà đầu tư quốc tế lựa chọn. Ảnh: Internet
Việt Nam với các yếu tố thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, xã hội vẫn là điểm đến đầu tư được nhiều nhà đầu tư quốc tế lựa chọn. Ảnh: Internet

Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid và các bất ổn địa chính trị tại khu vực châu Âu, Việt Nam với các yếu tố thuận lợi về tự nhiên, kinh tế, xã hội vẫn là điểm đến đầu tư được nhiều nhà đầu tư quốc tế lựa chọn.

Đặc biệt, ổn định chính trị và kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch là yếu tố then chốt quyết định mức độ hấp dẫn của Việt Nam với vốn đầu tư nước ngoài. Minh chứng là, GDP trong 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,73%; lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,88%.

Ngoài tập trung phát triển hạ tầng, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại, ưu đãi về thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thu hút người lao động qua một số chính sách liên quan đến nhà ở xã hội trong khu công nghiệp, tận dụng hiệu quả ưu thế vốn có về lực lượng lao động dồi dào.

Qua thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 9/2021, trên phạm vi cả nước có 563 khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,9 nghìn ha, chủ yếu tập trung tại vùng kinh tế trọng điểm.

Đứng trước làn sóng công nghiệp vào Việt Nam, Chính phủ cũng đưa ra những định hướng phát triển và bổ sung nguồn cung bất động sản trên cả nước, đáng chú ý là việc phê duyệt 9 khu công nghiệp mới sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn 2023 - 2025 với tổng diện tích 2.472 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 29,4 nghìn tỷ đồng.

Song song với phát triển công nghiệp và kinh tế, chính sách khí hậu và bảo vệ môi trường được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Để xanh hóa nền kinh tế, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là giải pháp trọng tâm, trong đó chú trọng công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Các yếu tố phát triển bền vững cũng ngày càng được chú ý với các nhà phát triển bất động sản công nghiệp và khách hàng để hướng tới mục tiêu chung toàn cầu.

Bà Phùng Thị Thanh Loan - Quản lý Cấp cao, Bộ phận bất động sản công nghiệp tại CBRE Việt Nam chia sẻ, trung bình mỗi năm, 70 - 80% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tập trung tại khu công nghiệp, khu kinh tế.

Đặc biệt, các ngành công nghiệp điện tử, năng lượng mặt trời và logistics đang dẫn đầu nhu cầu về đất và kho xưởng công nghiệp tại miền Bắc. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn với các nhà đầu tư trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefiled cho rằng, so với Indonesia, Malaysia, Philippines, giá đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn tương đối thấp. Vì vậy cùng với các yếu tố khác, hệ thống khu công nghiệp Việt Nam đang là điểm đến của hàng nghìn doanh nghiệp từ hầu khắp quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, một bài học đắt giá mà các chuyên gia không quên cảnh báo với các địa phương, là cần cẩn trọng tính toán việc cấp mới dự án khu công nghiệp, tránh rơi vào nguy cơ khủng hoảng thừa như đã từng xảy ra trước đây.

Tin cùng chuyên mục