Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng: Sức cầu chung toàn thị trường vẫn còn những thách thức lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với đòn bẩy phục hồi du lịch, liệu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có khả năng vực dậy?
Việc mở cửa đường bay quốc tế vào tháng ba tới sẽ là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam trở lại với sức bật mới. Ảnh: Ngô Bảo Tín
Việc mở cửa đường bay quốc tế vào tháng ba tới sẽ là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam trở lại với sức bật mới. Ảnh: Ngô Bảo Tín

Du lịch nội địa nóng trở lại

Theo Savills Việt Nam, việc tự do di chuyển đã giúp thị trường du lịch nội địa nóng trở lại. Đà phục hồi của ngành du lịch trở nên rõ rệt nhất khi bước sang những ngày đầu của năm 2022. Việc mở cửa đường bay quốc tế vào tháng 3 tới sẽ là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam trở lại với sức bật mới.

Số liệu từ Tổng cục Du lịch cho hay, 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên Đán 2022 đã đón và phục vụ 6,1 triệu lượt du khách nội địa, doanh thu ước tính đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng. Những con số nói trên cũng phần nào thể hiện nhu cầu di chuyển cao của người dân cũng như triển vọng bật dậy của ngành du lịch nhờ yếu tố nội địa.

Theo kế hoạch của Chính phủ, các đường bay quốc tế sẽ hoạt động bình thường trở lại từ ngày 15/3/2022, đi kèm chương trình “Hộ chiếu vaccine”. Với 79 quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận hộ chiếu vaccine tính đến ngày 16/2/2022, quyết định mở cửa du lịch toàn quốc sẽ thu hút lượng lớn du khách nước ngoài quay trở lại Việt Nam, góp phần khuấy động các hoạt động du lịch của quốc gia.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang được hưởng lợi từ sức nóng của du lịch trong nước. Nghiên cứu của Savills ghi nhận sự cải thiện của công suất cho thuê và giá thuê trung bình phân khúc khách sạn trong những tháng cuối năm 2021.

Tương tự, nguồn cung tương lai tại thị trường Hà Nội đang trong đà tăng, tính từ năm 2022 trở đi. Những tín hiệu này cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào khả năng bật dậy của ngành.

Chính sách mở cửa đi lại giữa Việt Nam và các nước khác cũng sẽ làm thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn, không chỉ ở phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng mà còn ở phân khúc căn hộ dịch vụ.

Nghiên cứu của Savills chỉ ra rằng, các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc là khách thuê chính tại các căn hộ dịch vụ hạng A, với 79% thị phần trong nửa đầu 2021 và tăng lên 84% trong hai quý còn lại.

Theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ chảy vào Việt Nam trong năm qua phần nào khẳng định số lượng lớn các chuyên gia quốc tế đang và sẽ làm việc tại quốc gia. Một khi đường bay quốc tế được nối lại hoạt động, họ sẽ đến Việt Nam để công tác dài hạn, góp phần đưa phân khúc căn hộ dịch vụ quay trở lại đà tăng trưởng như trước.

Triển vọng tương lai của bất động sản nghỉ dưỡng

Chia sẻ về triển vọng tương lai của bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực miền Bắc, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, bên cạnh các thành phố phát triển mạnh về du lịch như Hạ Long, thì số lượng lớn dự án đang được phát triển ở các vùng ngoại thành và xung quanh thành phố Hà Nội như Hoà Bình và Thanh Hoá.

Lý giải về hiện tượng này, ông Matthew cho rằng, xu hướng này cũng khá dễ hiểu, bởi việc di chuyển của người dân tới các quận/huyện ngoại thành đang trở nên thuận tiện hơn nhiều. Nhờ vào hạ tầng và mạng lưới giao thông ngày càng phát triển, người dân cũng sẽ lựa chọn những địa điểm nghỉ dưỡng gần và xung quanh Hà Nội vào những ngày cuối tuần. Vì vậy, rất kỳ vọng vào những dự án phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại các khu vực lân cận này.

Đối với thị trường Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, DKRA Vietnam nhận định, nguồn cung mới có thể tăng so với năm 2021. Trong đó, TP. Đà Nẵng là thị trường tiếp tục dẫn dắt nguồn cung mới ở hầu hết các loại hình, Thừa Thiên Huế tiếp tục khan hiếm nguồn cung. Xu hướng dịch chuyển sang chương trình ủy thác cho thuê theo dạng chia sẻ lợi nhuận tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng.

Nguồn cung mới condotel và biệt thự nghỉ dưỡng trong năm 2022 có thể tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ảnh: Ngô Bảo Tín

Nguồn cung mới condotel và biệt thự nghỉ dưỡng trong năm 2022 có thể tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu... Ảnh: Ngô Bảo Tín

Riêng đối với các tỉnh phía Nam, DKRA Vietnam lưu ý, nguồn cung mới condotel và biệt thự nghỉ dưỡng trong năm 2022 có thể tăng so với năm 2021, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu... Song, sức cầu chung toàn thị trường vẫn là những thách thức, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để thay đổi đột biến.

Bên cạnh đó, mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort) tiếp tục nhận được nhiều quan tâm. Đặc biệt, khách hàng tin tưởng vào thương hiệu quản lý vận hành quốc tế hơn những chương trình cam kết lợi nhuận.

Kết quả khảo sát người mua toàn cầu năm 2021 phản ánh, hệ thống chăm sóc sức khỏe, chất lượng không khí và không gian xanh là những tiêu chí hàng đầu để người dân lựa chọn nơi sinh sống.

Bởi vậy, Savills dự đoán những căn hộ dịch vụ thương hiệu sẽ có lợi thế lớn khi sở hữu những chương trình hợp tác với các tổ chức y tế để đảm bảo an toàn và nâng cao sức khỏe của cư dân tại dự án.

Với nguồn cầu sẵn từ trong nước và quốc tế, triển vọng của bất động sản nghỉ dưỡng và căn hộ dịch vụ sẽ còn phụ thuộc nhiều vào chiến lược của Chính phủ cùng diễn biến tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục