Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Đơn cử, Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên báo lãi sau thuế đạt 85,3 tỷ đồng trong quý I/2020, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2019, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 5.336 đồng. Doanh thu thuần của Công ty tăng trưởng 6,4% trong quý đầu năm nay, trong đó, doanh thu từ kinh doanh BĐS khu công nghiệp đạt gần 31,4 tỷ đồng (chiếm khoảng 75% doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ).
3 tháng đầu năm 2020, Công ty CP Phát triển đô thị công nghiệp số 2 ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 81 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 24% lên mức 49 tỷ đồng.
Báo cáo thị trường bất động sản quý I/2020 của JLL Việt Nam cho thấy, bất chấp những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp trong những tháng đầu năm tại Việt Nam vẫn ở mức cao.
Theo đó, tỷ lệ lấp đầy ở khu vực miền Bắc tính đến hết tháng 3/2020 đạt 72%, giá đất trung bình đạt 99 USD/m2 cho mỗi chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, nhà xưởng xây sẵn (lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ) cũng giữ giá thuê ổn định, dao động từ 4 - 5 USD/m2/tháng và đều được lấp đầy. Tại khu vực miền Nam, với nhu cầu thuê đất tăng cao, các chủ đầu tư tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý I/2020 của khu vực này đạt 101 USD/m2 cho mỗi chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ 2019.
Nhờ nhu cầu cao, nhiều chủ khu công nghiệp đều báo lãi quý I/2020 tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, quý I/2020, Công ty CP Sonadezi Châu Đức báo lãi ròng đạt 53,7 tỷ đồng (tăng trưởng tới 190%); Công ty CP Long Hậu báo lãi sau thuế tăng 15,1% lên mức 63,2 tỉ đồng; Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo báo lãi 25,4 tỷ đồng (tăng trưởng 341%); Công ty CP Cao su Phước Hòa ghi nhận lợi nhuận đạt 211 tỷ đồng, tăng trưởng 89% so với quý I/2019. Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp Sonadezi báo lãi 270 tỷ đồng trong quý I/2020 (tăng trưởng 51%)…
Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, BĐS khu công nghiệp sẽ hồi phục mạnh sau dịch Covid-19. Thứ nhất, sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến xu hướng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc tái khởi động. Trong đó, Việt Nam có thể trở thành một trung tâm sản xuất thay thế nhờ vào vị trí gần Trung Quốc và lực lượng lao động chi phí thấp. Dẫn nguồn tin từ Nikkei, VNDirect cho biết, 2 “ông lớn” của thế giới là Google và Microsoft đang chuyển một số dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Thái Lan.
Bên cạnh đó, Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), nâng tổng số FTA có hiệu lực lên 12. Các FTA sẽ là nhân tố chính để đẩy mạnh nhu cầu thuê đất khu công nghiệp.
Đánh giá tiềm năng của BĐS khu công nghiệp, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, tác động của đại dịch Covid-19 khiến dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam chậm lại và việc tiến hành thực địa các khu công nghiệp để xây nhà máy cũng bị trì hoãn ít nhất đến khi dịch bệnh được khống chế (sớm nhất tháng 6/2020). Tuy nhiên về dài hạn, BĐS khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi nhờ việc dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam nhanh hơn dự kiến, các hiệp định kinh tế thu hút vốn FDI và thúc đẩy đầu tư công.