Bất động sản miền Trung kỳ vọng phục hồi vào những tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước những động thái tích cực về việc tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục pháp lý dự án bất động sản, giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại khu vực, hy vọng bước sang quý 4/2023, thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục.
Thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận hy vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục
Thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận hy vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục

Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục duy trì ở mức ổn định

Theo dự báo từ DKRA Group, nguồn cung phân khúc đất nền trong quý 4/2023 ở Đà Nẵng và vùng phụ cận có thể sẽ tăng nhẹ so với quý 3, dao động khoảng 180 - 220 nền, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Khu vực Thừa Thiên Huế tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang so với những lần mở bán trước đó. Các chính sách ưu đãi, chiết khấu,.. tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng nhằm kích cầu thị trường. Thanh khoản thị trường thứ cấp ở mức trung bình, mặt bằng giá chưa đạt được tín hiệu tích cực hơn so với quý 3/2023.

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới trong quý 4/2023 có thể dao động ở mức 300 - 500 căn, tập trung chủ yếu tại Đà Nẵng. Tỷ trọng nguồn cung căn hộ hạng A và hạng sang dự kiến sẽ tăng, phân bổ chủ yếu tại khu vực quận Ngũ Hành Sơn. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục duy trì ở mức cao trước áp lực của các chi phí đầu vào phát triển dự án, chi phí lãi vay,… do thời gian triển khai dự án bị kéo dài.

Nguồn cung mới và sức cầu phân khúc nhà phố/biệt thự quý 4/2023 có thể tăng nhẹ so với quý 3, dao động khoảng 50 - 80 căn, phần lớn đến từ giai đoạn tiếp theo của những dự án đã mở bán trước đó. Sức cầu chung khó có sự đột biến trong ngắn hạn và tập trung hầu hết vào những dự án có pháp lý hoàn thiện. Mặt bằng giá sơ cấp tiếp tục duy trì ở mức ổn định, song song đó, những chính sách ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp tiếp tục xu hướng đi ngang.

Với bất động sản nghỉ dưỡng, dự kiến nguồn cung loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và vùng phụ cận tiếp tục duy trì ở mức thấp. Thanh khoản thị trường dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn và khó có những đột biến trong ngắn hạn. Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định. Các chính sách hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, giãn tiến độ thanh toán,… vẫn tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng giữa bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.

Tín hiệu tích cực từ hạ tầng

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group cho biết, trong quý 3 vừa qua ở Đà Nẵng và vùng phụ cận có 7 dự án hạ tầng giao thông nổi bật được khởi động.

Cụ thể, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề xuất nâng cấp hệ thống đê ven phá Tam Giang - cầu Hai; Đẩy nhanh tiến độ dự án đường đi bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An (TP. Huế).

Tương tự, ở Đà Nẵng vừa khánh thành cầu vượt đi bộ đầu tiên ven vịnh Đà Nẵng; Ưu tiên hơn 2.000 tỷ đồng cho khởi công hai dự án trọng điểm là xây dựng cao tốc Hòa Liên - Túy Loan và nâng cấp Quốc lộ 14B; Nghiên cứu lập dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14G.

Trong khi đó ở Quảng Nam, đôn đốc tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án nạo vét sông Cổ Cò; Khởi công dự án đường liên kết vùng miền Trung với mức đầu tư 768 tỷ đồng.

Trước đó, trong quý 3/2023, thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận chỉ đón nhận tín hiệu khả quan về nguồn cung và sức cầu ở phân khúc căn hộ. Đa phần những phân khúc còn lại vẫn duy trì đà sụt giảm từ 2 quý đầu năm.

Gần đây một loạt chính sách mới được các tỉnh thành khu vực miền Trung ban hành đang nhen nhóm lên hy vọng cho thị trường bất động sản ở đây sẽ sớm bước ra khỏi giai đoạn trầm lắng.

Đơn cử như ngày 11/8/2023, UBND TP. Đà Nẵng ban hành Quyết định 28/2023 về việc sửa đổi, bổ sung giá đất một số tuyến đường ban hành kèm theo Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 27/3/2021 của UBND TP. Đà Nẵng.

Ngày 31/8/2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 16/2023/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 8 của Quy định thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ban hành kèm theo Quyết định số 33/2022/QĐ-UBND ngày 31/10/2022 của UBND tỉnh.

Tiếp đó, ngày 13/9/2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 19/2023/QĐ-UBND quy định một số nội dung về lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch phân khu khu chức năng, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chi tiết đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành 4 quyết định có liên quan đến lĩnh vực bất động sản và nhà ở.

Đó là, Quyết định 42/2023/QĐ-UBND ngày 8/8/2023, ban hành về khung giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trên địa bàn. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/8/2023 và thay thế Quyết định 76/2017/QĐ-UBND ngày 06/9/2017.

Quyết định 43/2023/QĐ-UBND ngày 08/8/2023 về việc bãi bỏ Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh về việc quy định tiêu chí ưu tiên để lựa chọn đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quyết định 44/2023/QĐ-UBND ngày 10/8/2023 về việc Quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Quyết định 50/2023/QĐ-UBND ngày 25/9/2023 về việc quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo ông Phạm Lâm, tất cả những quyết định mới ban hành nói trên cộng với những cú hích về hạ tầng giao thông sẽ góp phần tích cực giúp cho thị trường bất động sản dần ấm lên. Để kỳ vọng một sự đột phá cho thị trường bất động sản trong ngắn hạn thì đương nhiên khó nhưng trong dài hạn điều đó là hoàn toàn có thể.

Tin cùng chuyên mục