Bất động sản nghỉ dưỡng, cơ hội lớn, rủi ro lớn

Bất động sản nghỉ dưỡng gần đây được nhắc đến như là một “ngôi sao sáng” của thị trường bất động sản, thu hút nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư vào phân khúc này, ngoài cơ hội còn có những rủi ro mà nhà đầu tư cần chú ý.
Đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, cần quan tâm tới vị trí có tiềm năng thu hút khách du lịch hay không
Đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng, cần quan tâm tới vị trí có tiềm năng thu hút khách du lịch hay không

Theo đánh giá của giới chuyên gia, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang có sức hấp dẫn lớn khi giá trị đầu tư vừa phải. Đây cũng là sản phẩm đang có cam kết sinh lời an toàn và bảo toàn vốn tốt. Ngoài ra, tính xã hội hóa và chuyên môn hóa cao trong vận hành khai thác và quản lý tài sản bất động sản cũng khiến loại hình này trở lên hấp dẫn.

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bất động sản nghỉ dưỡng gần đây phát triển khi nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của ngành du lịch. Tuy nhiên, du lịch Việt Nam còn biểu hiện thiếu bền vững.

Việt Nam chưa làm được như những nước có bất động sản du lịch phát triển khác, dù lợi thế của Việt Nam có nhiều. Ngoài các di sản độc đáo, thì chúng ta chưa tạo ra những yếu tố khác có thể hút khách du lịch nước ngoài.

“Bản thân tôi ủng hộ việc đất phi nông nghiệp thì nên chuyển sang sử dụng vô thời hạn. Đây là cách thức phát triển tốt cho Việt Nam, tạo điều kiện tốt hơn cho việc làm giàu. Tôi ủng hộ tạo điều kiện để bất động sản nghỉ dưỡng được xem là đất sử dụng vô thời hạn”, ông Võ nói.

Cũng theo ông Võ, nhu cầu nghỉ dưỡng đang tăng cao, kéo theo nhu cầu đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng cao. Hiện có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đưa ra mức lợi nhuận 8 - 10%/năm, là khá hấp dẫn và thực tế có dự án đã làm được điều này. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của các nhà đầu tư thứ cấp là pháp lý dự án và nguồn khách, nhất là hiện nay chưa có những số liệu minh bạch để tham gia thị trường.

“Theo tôi, các hiệp hội bất động sản cần chung tay để có số liệu tốt và cơ quan nhà nước cũng đóng góp để xây dựng cơ sở dữ liệu tốt hơn để thị trường phát triển bền vững”, ông Võ khuyến nghị.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, trong 3 năm qua, bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam phát triển mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số chủ đầu tư trong nước đã giới thiệu dự án của mình ra thị trường nước ngoài. Đây là bước đi khá ấn tượng, cho thấy các chủ đầu tư trong nước rất tự tin.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, bên cạnh những lợi thế, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn có những bất lợi. Cụ thể, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phải dựa vào du lịch, nếu không thu hút được du khách, thì bất động sản nghỉ dưỡng sẽ gặp khó khăn lớn. Trong khi đó, du lịch rất nhạy với các tình hình thay đổi như chính trị, kinh tế…

Chưa kể, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều trong biến đổi khí hậu và điều này có thể ảnh hưởng dài lâu tới du lịch, qua đó tác động tới bất động sản nghỉ dưỡng.

“Nhiều chủ dự án đang cam kết lợi nhuận khoảng 10%/năm với khách hàng trong vòng 10-20 năm. Thế nhưng, mức cam kết hấp dẫn này ai là người đảm bảo? Nếu họ không thực hiện thì người mua phải làm gì?”, ông Hiếu đặt câu hỏi và cho rằng, đây là câu hỏi còn bị bỏ ngỏ.

Còn theo ông Rudolf Hever, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, thực tế, du lịch nghĩ dưỡng tại Việt Nam thời gian qua đạt được con số tăng tưởng khá cao với tỷ lệ tăng 12% hàng năm.

Tuy nhiên, dù con số 10 triệu khách quốc tế tới Việt Nam vào 2016 là con số ấn tượng, nhưng so với các nước khác như Singapore, Thái Lan thì còn rất khiêm tốn. Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp sự phát triển này.

Theo ông Rudolf Hever, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam có rất nhiều cơ hội, nhưng cũng có nhiều rủi ro. Chẳng hạn, Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào hai nguồn khách du lịch là Trung quốc và Nga, chiếm đến 80-90%. Cần thu hút khách du lịch đến từ các nước khác nhiều hơn nữa.

Đa phần các dự án đang chào bán hiện nay khá rầm rộ, nhưng hầu như chưa đi vào hoạt động.

“Chủ đầu tư hay nhà đầu tư thứ cấp chưa nghĩ đến nhiều về vấn đề rủi ro của loại hình căn nhà thứ 2. Người mua thường mua các sản phẩm qua hình ảnh quảng cáo, mà chưa nhìn nhận hết về loại hình đầu tư, dòng sản phẩm mà mình mua”, ông Rudolf Hever nói.

Tin cùng chuyên mục