Bất động sản nghỉ dưỡng “sống dở chết dở”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong những năm gần đây, không chỉ khách hàng mà ngay cả chủ đầu tư cũng đang "vật lộn" trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Lĩnh vực một thời rất nóng sốt giờ trở nên như một "gánh nặng".
Lĩnh vực một thời rất nóng sốt giờ trở nên như một “gánh nặng”
Lĩnh vực một thời rất nóng sốt giờ trở nên như một “gánh nặng”

Thua lỗ và tháo chạy

Chị L.T.T (xin được viết tắt) hiện sống tại TP.HCM cho biết, năm 2017, chị ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại Dự án Alma - Nha Trang tọa lạc tại Bãi Dài, huyện Cam Lâm, Khánh Hoà do Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường làm chủ đầu tư, với giá 28.500 USD cho 2 căn hộ. Quyền lợi của chị được hưởng là sở hữu kỳ nghỉ 7 ngày mỗi năm, thời gian kéo dài hơn 35 năm. Ngoài ra, hàng năm chị phải đóng khoảng 15 triệu đồng cho 2 căn hộ nói trên, gọi là phí bảo trì.

Tuy nhiên, mấy năm nay, do thấy kiểu đầu tư này không hiệu quả, chị L.T.T có đơn gửi Chủ đầu tư xin thanh lý hợp đồng, chỉ thu về 50% số tiền đã đóng nhưng không được. Không có tiền để đóng phí bảo trì hàng năm, không bán lại sản phẩm cho người khác và cũng không thanh lý hợp đồng được, chị L.T.T đành để liều vậy, tới đâu hay tới đó.

Trên thị trường bất động sản, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng một thời từng "làm mưa làm gió", thậm chí trở thành một trào lưu, nhưng nay lại đối diện với cảnh bán lỗ nhưng rất ít người mua là điều không ai có thể ngờ được. Nếu như sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng thường kén khách vì có giá trị đầu tư cao, thì phân khúc căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) thường thu hút khá đông khách hàng vì có giá vừa túi tiền. Thế nhưng, việc sở hữu một bất động sản du lịch và việc khai thác nó sau khi hoàn thành để thu hồi vốn và tối ưu hóa lợi nhuận lại là câu chuyện hoàn toàn khác, đôi khi không như mong đợi.

Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn chí tử khiến lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng chưa "hoàn hồn" thì nay lại đối diện với tình trạng trầm lắng chung của cả lĩnh vực địa ốc, khiến nhà đầu tư cá nhân cũng lao đao theo. Bộ Xây dựng cho biết, theo khảo sát của một số tổ chức, tình hình giao dịch trong quý I/2023 đối với bất động sản nghỉ dưỡng để bán tiếp tục có xu hướng trầm lắng khi nhiều dự án vẫn trong tình trạng gặp khó về thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, dù các chủ đầu tư vẫn đưa ra nhiều chính sách như hỗ trợ lãi suất ưu đãi, ân hạn nợ gốc để thu hút khách hàng.

Vẫn theo Bộ Xây dựng, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, các căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú, du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện sẽ được cấp sổ đỏ. Dù vậy, sau khi Nghị định được ban hành thì các căn hộ condotel tại nhiều khu vực tiếp tục bị rao bán cắt lỗ nhưng vẫn khó tìm người mua. Giá giao dịch sơ cấp trong quý I/2023 có xu hướng giảm so với quý IV/2022, đồng thời trên thị trường thứ cấp xuất hiện tâm lý chấp nhận cắt lỗ, giảm giá sâu của nhà đầu tư.

Sức cầu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua không có nhiều chuyển biến

Sức cầu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thời gian qua không có nhiều chuyển biến

Chủ đầu tư "đuối sức"

Theo báo cáo của DKRA Group công bố mới đây, nguồn cung mới đối với bất động sản nghỉ dưỡng trong tháng 5/2023 tiếp tục xu hướng giảm từ cuối quý II/2022. Nguồn cung mới nhà phố, shophouse nghỉ dưỡng trong tháng 5 tăng so với giai đoạn 4 tháng đầu năm nay, tuy nhiên vẫn còn ở mức rất thấp - chỉ tương đương 4% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung condotel dù có sự hồi phục so với tháng trước, nhưng sụt giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Group cho biết, sức cầu thị trường bất động sản nghỉ dưỡng không có chuyển biến đáng kể, lượng tiêu thụ còn hạn chế, bằng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Sự hồi phục chưa như kỳ vọng của ngành du lịch cũng như mặt bằng lãi suất vẫn còn ở mức cao đã ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng, khiến thanh khoản thị trường liên tục duy trì ở mức thấp.

Theo DKRA Group, giá bán sơ cấp không có nhiều biến động rõ nét so với tháng trước. Các dự án mở bán vẫn tiếp tục áp dụng rộng rãi nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu thanh toán nhanh lên đến 40 - 50%, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết thuê lại,… nhằm kích cầu thị trường. Dự kiến, trong các tháng tiếp theo, nguồn cung và sức cầu thị trường tuy có tăng nhẹ so với tháng 5 nhưng không có nhiều đột biến trong ngắn hạn.

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho hay, trong quý I/2023, cả nước hoàn thành 8 dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú với 3.385 căn (gồm 2.458 căn hộ du lịch, 680 căn biệt thự du lịch và 247 căn văn phòng kết hợp lưu trú), bằng 133,33% so với quý IV/2022; hiện đang triển khai 56 dự án với 25.368 căn (gồm 20.470 căn hộ du lịch, 4.616 căn biệt thự du lịch và 282 căn văn phòng kết hợp lưu trú), tương đương 44,4% quý IV/2022. Riêng được cấp phép mới chỉ có 1 dự án, bằng khoảng 25% so với quý cuối cùng của năm 2022.

Ghi nhận một số ý kiến từ các chủ đầu tư bất động sản du lịch, đa số cho rằng, các yếu tố về pháp lý, lãi suất, sự hồi phục chậm của ngành du lịch là nguyên nhân khiến thị trường nghỉ dưỡng rơi vào trầm lắng.

Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, các dự án bất động sản nghỉ dưỡng trên thị trường tại hầu hết các địa phương (như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh…) đều trong tình trạng đắp chiếu, chờ phê duyệt. Trong tình hình kinh tế suy giảm như hiện nay, hiệu quả sử dụng và kinh doanh, đặc biệt với bất động sản nghỉ dưỡng, là rất thấp. Nên chặng đường tới, chủ đầu tư rất dễ ngộp thở nếu không được sử hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng và việc tháo gỡ pháp lý dự án từ Chính phủ cũng như các bộ, ngành và địa phương.

Tin cùng chuyên mục