Còn có nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại gây bức xúc trong dân, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn lương thiện khốn đốn. |
Nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại gây bức xúc trong dân, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn lương thiện khốn đốn. Trong khi đó, nhận thức về chất lượng hàng hoá của người dân và ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp còn hạn chế.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa có báo cáo về tình hình, kết quả chủ yếu trong thực hiện nhiệm vụ chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại trong 4 tháng đầu năm 2016.
Theo đó, trong những tháng đầu năm, các lực lượng chống buôn lậu như công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan... đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu có số lượng lớn, giá trị cao liên quan đến thuốc lá, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, điện thoại di động, thực phẩm, gia cầm, gia súc, ma tuý, động vật hoang dã…
Số liệu từ Tổng cục Hải Quan vừa cho biết, 4 tháng đầu năm, các lực lượng liên ngành chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại đã bắt giữ hơn 63.642 vụ, xử phạt, truy thu thuế cho Nhà nước hơn 5.137 tỷ đồng, trong đó khởi tố hơn 440 vụ và hơn 580 đối tượng vi phạm.
Đáng lưu ý, lực lượng thuế đã tổ chức, thanh tra, kiểm tra 19.588 doanh nghiệp, tăng số thuế phải thu thêm 4.436 tỷ đồng. Quản lý thị trường phát hiện, xử lý hơn 35.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 179 tỷ đồng.
Trên các vùng biển Đông Bắc, miền Trung và Tây Nam là hoạt động buôn lậu xăng, dầu, gỗ, thuốc lá điếu… Tại các cửa khẩu cảng hàng không và sân bay quốc tế là buôn lậu, vận chuyển trái phép ma tuý, động vật hoang dã và các loại hàng hoá có giá trị kinh tế cao.
Trong nội địa, vi phạm về niêm yết giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhá, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gia tăng trong các dịp lễ tết. Đáng chú ý, tình trạng tổ chức, cá nhân sử dụng các loại hoá chất, phụ gia thực phẩm, vật tư nông nghiệp không đảm bảo… diễn biến phức tạp, gây bất an dư luận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khoẻ người dân.
Bên cạnh đó, còn có nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại gây bức xúc trong dân, khiến nhiều doanh nghiệp làm ăn lương thiện khốn đốn.
Đặc biệt, hàng giả đang chạy về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi các lực lượng chuyên ngành yếu - lỏng lẻo. Thị trường hàng hóa nông thôn đang bị đầu độc bởi nhiều loại hàng giả nguy hiểm đến sức khỏe của người dân, gây thiệt hại kinh tế và làm mất niềm tin của người dân.
Tổng cục Hải Quan khẳng định, dù việc phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại đang được phối hợp tốt nhưng số vụ vi phạm bị khởi tố còn rất nhỏ. Những tồn tại về sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định của pháp luật về lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn chậm so với yêu cầu, chưa tháo gỡ được những khó khăn thực tiễn.
Cơ quan này cũng nêu ví dụ, như với trường hợp kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, phải trên 1.500 mới bị xử lý hình sự, vô hình chung đã làm cho đối tượng lợi dụng chia nhỏ, xé lẻ số lượng để vận chuyển từ 500 - 1.200 bao nên không xử lý hình sự được.
Hay như quy định về việc tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần, hoặc tái phạm.
Nhưng trên thực tế, đối với những vụ việc hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên lại không tịch thu được phương tiện do các đối tượng chủ xe thường vận chuyển thuê, không phải là chủ hàng, không cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu.
Ban Chỉ đạo 389 cho rằng, chế độ đãi ngộ đối với các lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay còn thấp. Trong khi đó, nhận thức về chất lượng hàng hoá của người dân và ý thức bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp còn hạn chế, việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng chưa được hiệu quả cao.