“Bắt mạch” GENCO 3 trước thềm IPO

(BĐT) - Tổng công ty Phát điện 3 (GENCO 3) là doanh nghiệp phát điện độc lập lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, để sở hữu các nhà máy có công suất lớn và tiếp tục nghiên cứu, đầu tư mới, GENCO3 đã phải vay nợ khá nhiều từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.
Đến hết quý III/2017, GENCO 3 ghi nhận khoản lỗ 924 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá hối đoái
Đến hết quý III/2017, GENCO 3 ghi nhận khoản lỗ 924 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá hối đoái

Những khoản nợ lớn bằng ngoại tệ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của các nhà đầu tư trước thềm phiên IPO của GENCO 3. 

Nhà phát điện hàng đầu với các khoản nợ lớn

GENCO 3 có năng lực sản xuất, vận hành ổn định 6.543 MW, tương đương khoảng 16% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện quốc gia, trong đó 5.450 MW thuộc công ty mẹ. Về cơ cấu sản lượng điện, các nhà máy điện khí chiếm 46,6% tổng sản lượng, nhiệt điện than chiếm 42,6%, còn lại là thủy điện. Công ty mẹ GENCO 3 chiếm tỷ trọng phát điện lên tới 83% trong cơ cấu của toàn Tổng công ty. Đây được xem là một lợi thế để thúc đẩy cổ phần hóa bởi Công ty mẹ có thể chi phối kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất toàn Tổng công ty.

Ở góc độ tài chính, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của GENCO 3 tại thời điểm cuối quý III/2017 là 6,5 lần, là con số khá cao. Tại thời điểm cuối quý III/2017, tổng nợ phải trả của GENCO 3 là 73.832 tỷ đồng, chiếm 86,6% tổng tài sản. Trong đó, vay nợ (dài hạn và ngắn hạn) là 66.945 tỷ đồng, chiếm 90% tổng nợ phải trả. Điều này cho thấy, doanh nghiệp này hiện có dư nợ vay tương đối cao, chủ yếu là các khoản nợ từ các ngân hàng và nhận nợ, trả nợ bằng ngoại tệ (USD, Yên Nhật). Vì vậy, nếu hoạt động không hiệu quả, GENCO 3 sẽ gặp rủi ro rất lớn trong việc trả nợ, đặc biệt là khi tỷ giá USD và Yên Nhật biến động mạnh.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao có lẽ là lý do GENCO 3 thực hiện cổ phần hóa theo hình thức giữ nguyên vốn nhà nước và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Nếu IPO thành công, vốn điều lệ của GENCO 3 sẽ tăng từ 10.562 tỷ đồng lên 20.809 tỷ đồng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp này dễ thở hơn trong việc thu xếp vốn đầu tư cho các công trình điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. 

Vẫn là câu chuyện tỷ giá

Như đã phân tích ở trên, GENCO 3 hiện đang vay nợ rất nhiều bằng ngoại tệ (USD và Yên Nhật), vì vậy, kết quả kinh doanh của GENCO 3 sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi tỷ giá biến động. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho quý III/2017 GENCO 3 lỗ gần 68 tỷ đồng.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý III/2017, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 8.233 tỷ đồng, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận gộp đạt 1.597 tỷ đồng, tăng 77,5% so với quý III/2016. Với kết quả này, biên lợi nhuận gộp quý III/2017 đạt 19,4%, cao hơn con số 11% của quý III/2016. Điều này cho thấy hiệu quả trong việc quản lý giá vốn của GENCO 3 đã được cải thiện.

Trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không có thay đổi nhiều, chi phí tài chính quý III của GENCO lên tới 1.596 tỷ đồng, tăng 73,6% so với cùng kỳ, thì chi phí lãi vay là 899 tỷ đồng, như vậy có thể hiểu là lỗ chênh lệch tỷ giá trong quý III/2017 là 697 tỷ đồng. Điều này đã làm cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 54,7 tỷ đồng, cùng kỳ 2016 là âm 14,8 tỷ đồng. Riêng trong quý III/2017, EVN GENCO 3 lỗ gần 68 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, GENCO 3 lãi 225 tỷ đồng, tăng 164,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Đến hết quý III/2017, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của GENCO 3 xấp xỉ 1.025 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tổng công ty cũng ghi nhận âm 924 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá hối đoái, khoản lỗ này đã ăn mòn vốn chủ sở hữu.

Tin cùng chuyên mục