Bát Tràng - Nơi lưu giữ hồn gốm Việt

(BĐT) - ...Vẫn con ngõ nhỏ im lìm lặng lẽ dưới những bức tường gạch mưa gió xói mòn, và hương hoa lý, hoa ngâu thoang thoảng từ vài căn nhà ngói sạm mầu; ngõ quanh co, ngõ sâu dài hun hút đan xen nối nhà với nhà và nối dài ra phía bến nước… Hồn cốt làng cổ nổi tiếng với nghề gốm, sứ danh chấn khắp miền vẫn nhiều sự riêng biệt, vẫn cũ kỹ và trầm mặc, bên cạnh sự ồn ào của chợ, sự tấp nập của những gian hàng nhộn nhịp bán, mua.
Bát Tràng - Nơi lưu giữ hồn gốm Việt

Tòa đại đình Kim Trúc Tự, một trong những nơi hội tụ nguồn thiêng phát tích, tạo dựng nên Bạch Thổ phường (tên gọi xưa của làng Bát Tràng) như bao làng Việt cổ, được che chở và bao bọc bởi tán lá, chùm rễ si cổ thụ. Đình nằm sát dải nước bên bến sông phía tả ngạn sông Hồng. Xưa kia, bến nước luôn tấp nập ghe thuyền trĩu nặng sản phẩm của làng xuôi ngược khắp miền đất nước. Từ không gian và khung cảnh như thế, dễ cảm nhận một cách toàn vẹn về ngôi làng cổ được hình thành cùng với quá trình xây dựng kinh thành Thăng Long xưa. Nhiều cụ cao niên trong làng dùng cụm từ “khoảng 500 năm trước” để định hình về mốc lịch sử dựng làng, quá trình gian lao khởi nghiệp, về khởi tích của một nghề mà lớp lớp con cháu trong làng được thừa hưởng, một nghề hết mực tài hoa mà cũng thật dân dã - làm cho đất nở hoa.

Sản phẩm mang thương hiệu Bát Tràng hiện hữu khắp nơi bởi được ví như tinh hoa đến từ trí óc sáng tạo và bàn tay khéo léo của hơn 30.000 nghệ nhân, thợ lành nghề thuộc hơn 1.000 hộ sản xuất, công ty, hợp tác xã của làng Bát Tràng. Từ nghệ thuật pha men, kỹ năng vuốt, nặn, tạo hình, khối đất vô tri hóa thân thành những bình, lọ, ấm, bát, đĩa, thống, tượng, đèn bàn, bát hương, hũ gạo, chum rượu, điếu bát… Trong rất nhiều ngôi nhà người Việt và ở nhiều nước trên thế giới, sản phẩm Bát Tràng không chỉ là những vật dụng giản đơn, thân thuộc như bình vôi, chậu trồng cúc, quất, đĩa, bát đựng cơm canh trên mâm cơm sum họp gia đình mà còn là những sản phẩm tâm linh như đôi chóe vẽ rồng phượng vờn mây đặt trang trọng hai bên bàn thờ gia tiên, bát hương men lam tỏa khói trầm, bình lọ tráng men chảy cắm đào...

Tôi gặp cụ Long ở thôn 1 làng Bát Tràng, cụ nay đã gần 90 tuổi trời cho nhưng tính cách còn rất “thanh niên”. Bữa trưa đón khách, cụ vẫn bầy be sứ đầy ắp thứ rượu trắng thơm nồng. Cụ sống thư thái một mình trong căn nhà 5 gian 2 chái kết cấu bằng gỗ xoan đào dựng từ năm 1880 với 4 hàng cột chắc chắn trên những tảng đá xanh rắn rỏi. Trước gian nhà là khoảng không gian cây trái xanh mướt, hoa thơm đủ sắc, gió mát rười rượi. Nhiều vật dụng cụ lưu trữ trong nhà mang tính đặc trưng của làng nghề Bát Tràng, qua thăng trầm biến đổi cũng chẳng mảy may nứt, vỡ, chỉ bạc màu thời gian. Sát khuôn cửa vách nhà có 2 chiếc chum đất nung từ lò lửa Bát Tràng trồng hoa mộc, thứ hoa nở thành chùm trắng li ti thơm dìu dịu. Tường đầu hồi và bức tường bao quanh nhà cũng là gạch cổ của Bát Tràng được kết dính bởi thứ hồ đặc biệt tạo nên từ vôi, mật mía. Gạch dùng xây tường và lát nền là thứ gạch chẳng đều nhẵn, được nung từ rơm củi vẫn không hề bong tróc, mái nhà được lợp bằng thứ ngói ta… Mầu gỗ rắn rỏi, dáng sứ gốm mềm mại hòa quyện tạo nên một không gian yên bình, che chở hồn người.

Cụ Long hào sảng cạn ly rượu mời khách. Bữa cơm cụ tiếp khách ngày cuối năm phảng phất hương sắc Xuân. Nghề của làng cũng đã làm cho việc “ăn” ở làng trở thành nghệ thuật tinh tế, nhất là trong bữa cơm đãi khách hay bữa cỗ. Những món ăn như xôi gấc đỏ tươi, canh măng mực vàng ruộm, nộm đu đủ xanh, nem tôm bùi ngọt… trở nên nổi tiếng không chỉ nhờ bàn tay khéo nấu nướng của các bà, các cô, các chị, mà còn bởi được tôn vinh, bài trí nổi bật trên những đĩa men trầm, tỏa hơi nóng trên miệng chiếc bát chiết yêu sản xuất từ chính những lò gốm của làng…

Cụ Long lưu giữ trong trí nhớ rất nhiều chuyện về làng, trong đó có chuyện tên cũ của làng - Bạch Thổ phường, về các ngày lễ hội 14, 15 và 16 tháng Giêng - dịp các gia đình, dòng họ trong làng thành kính biện lễ tạ ơn Tổ nghề và Thành hoàng làng. Bát Tràng cũng có Văn chỉ tôn vinh những vị hiền tài đỗ đạt của làng. Tinh thần thông minh hiếu học xưa - nay của dân làng như phần nhiều chuyển hóa, kết tinh ra những sản phẩm gốm sứ hết mực tài hoa. Ông nội cụ Long vốn là lý trưởng thời trước của làng, có tới 5 lò đốt và 12 nhà xưởng với hơn 50 công nhân chuyên sản xuất bát, đĩa… giao cho các thương buôn. Lợi nhuận từ những lò gốm đó giúp ông cụ giàu có và xây dựng nên căn nhà gỗ xoan đào độc đáo mà cụ Long được thừa hưởng. Căn nhà đó cùng với 22 căn nhà cổ khác trong làng cho thấy mức độ giàu có của Bát Tràng xưa.

Họa sỹ Mạnh Đức, con trai thứ hai của cố nhà văn Kim Lân có xưởng vẽ và một không gian trưng bày gốm, sứ trong làng. Ông sắp xếp, bày biện nhiều sản phẩm được làm ra từ làng Bát Tràng, trong đó có án thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng và pho tượng đức Thiên thủ thiên nhãn Quan âm được che chở bởi hai chiếc lộc bình to, đôi chóe đắp rồng nổi… Một lần có dịp ngồi hàn huyên cùng ông và một nghệ nhân trẻ của làng tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tôi thấy 2 người rất tâm đắc về thứ men cổ, về loại cốt đất mới… và cùng muốn cho ra đời thêm những sản phẩm nghệ thuật độc đáo, trưng bày trong không gian nghệ thuật của mình để du khách trong và ngoài nước chiêm ngưỡng.

Năm 2019, 2020 ghi dấu mốc làng Bát Tràng được Hà Nội công nhận là “Điểm du lịch của Thành phố”; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”... Doanh thu từ sản phẩm và dịch vụ du lịch gắn kết với nghề của làng khó tính toán chính xác, nhưng diện mạo và lối sống phong lưu, giàu có của làng là minh chứng xác thực cho sự thành công của nghề, minh chứng cho cái lộc, cái danh nghề mang lại cho dân Bát Tràng. Bức hoành phi thếp vàng treo chính giữa gian thờ nhà cụ Long chạm nổi 4 chữ “Y bát trường lưu” nghĩa là mong muốn giữ nghề trường tồn, nỗ lực, tinh tấn với nghề… bởi đó chính là mạch nguồn tạo nên ấm no, phú quý.

Sản phẩm từ làng nghề Bát Tràng được thị trường yêu thích bởi được tạo nên từ thứ đất trắng thấm đẫm phù sa sông Hồng, màu sắc quê hương, vị đất trời thấm đẫm trong từng sản phẩm được tạo hình phóng khoáng, tô vẽ bởi những đường nét bay bổng, uyển chuyển và nung luyện trong lò đốt với sức nóng đến 1.300 độ C…

Khác với trước kia, khi sản phẩm của làng chỉ giới hạn ở những vật dụng sinh hoạt đơn giản, nhỏ, hoa văn không mấy cầu kỳ, ngày nay, gốm sứ Bát Tràng có nhiều vật dụng kích cỡ lớn với tính mỹ thuật đa dạng. Lò đốt từ củi cũng đã chuyển sang lò ga, điện hiện đại công suất lớn. Nhưng dù có thay đổi về kích cỡ, kiểu dáng sản phẩm, hay hình thức chế tạo, những dòng men, kiểu dáng xưa vẫn được lưu giữ và phát triển mạnh mẽ ở Bát Tràng. Miệt mài tìm về vốn cổ, có doanh nghiệp trong làng đã khôi phục được công thức nung ngói mũi hài, ngói âm dương, ngói lưu ly, ngói vẩy cá, gạch nền men xanh rêu, gạch nền vàng gấm... Những thứ hàng đó có sức tiêu thụ cao, được thị trường hết sức ưa chuộng, chuyên dùng trang trí xây dựng các công trình theo kiến trúc cổ, đặc biệt giúp cho việc tôn tạo đình chùa đạt tới viên mãn.

Khu chợ cuối làng những ngày giáp Tết tấp nập bước chân người, những lò đốt đỏ lửa ngày đêm… Người tận trong Nam, ở tận nước ngoài tìm về chọn đồ cho gia đình hoặc mua tặng bạn bè, người thân, có thể chỉ là chuỗi vòng tay bằng gốm lấp lánh sắc màu... hay chiếc khay, đĩa bày ngũ quả, đôi bình cắm hoa, cặp đèn dầu bầu sứ tròn trĩnh...

Những sản phẩm gốm, sứ thai sinh từ bàn tay của bao lớp nghệ nhân tài hoa làng Bát Tràng cho thấy nghề và người ở nơi đây có sự gắn kết chặt chẽ, cho thấy tinh thần sáng tạo và sức lao động hăng say. Tất cả đã định vị nên thương hiệu gốm sứ Bát Tràng, dẫu qua nhiều thăng trầm vẫn chưa bao giờ mai một mà luôn vững vàng, thăng hoa.