Gói thầu Mua sắm tập trung bàn, ghế, trang thiết bị dạy và học có giá trị gần 5 tỷ đồng, song thời gian thực hiện chỉ 10 ngày. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Mới đây, Phòng Tài chính - Kế hoạch thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua sắm tập trung bàn, ghế, trang thiết bị dạy và học cho các trường trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Đáng chú ý, hợp đồng có giá trị gần 5 tỷ đồng, tương ứng với hàng nghìn sản phẩm bàn, ghế cần sản xuất, gia công theo thiết kế riêng của Chủ đầu tư, song thời gian thực hiện hợp đồng tại hồ sơ mời thầu (HSMT) chỉ là 10 ngày. Phản ánh đến Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, họ bó tay bởi điều kiện thời gian giao hàng quá gấp. “Đối chiếu với số lượng hàng hóa cần sản xuất mới, thì 90 - 120 ngày mới là khoảng thời gian phù hợp để các nhà thầu tham gia cạnh tranh tại gói thầu này”, một nhà thầu nhận xét.
Kết quả, chỉ có một nhà thầu vượt qua bước đánh giá kỹ thuật và trúng thầu, đó là Công ty TNHH Tin học Á Châu.
Gói thầu Mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa các tổ dân phố phường Đống Đa, TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (dự toán 11,6 tỷ đồng) do UBND phường Đống Đa làm chủ đầu tư cũng bị “tố” đưa ra các điều kiện bất thường so với quy mô, tính chất gói thầu. Theo phản ánh, căn cứ vào danh mục hàng hóa cần cung cấp, gần như 100% sản phẩm đều là hàng thiết kế theo thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật chi tiết do Bên mời thầu xác định, cần thời gian đủ dài để gia công, sản xuất. Tuy nhiên, HSMT không đính kèm bản vẽ thiết kế hàng hóa để các nhà thầu có cơ sở thiết kế, sản xuất phù hợp tiêu chí. Đáng chú ý, với khối lượng hàng hóa cần cung cấp rất lớn, đa dạng về chủng loại, song HSMT quy định thời gian thực hiện hợp đồng chỉ có 15 ngày. “Nếu như không có sự chuẩn bị từ trước, thì không đơn vị nào có thể đáp ứng tiến độ sản xuất, cung cấp theo yêu cầu trên, chưa kể tới việc các địa điểm cung cấp, lắp đặt không tập trung, mà rải rác tại các nhà văn hóa tổ dân phố trên địa bàn phường”, Nhà thầu băn khoăn. Trên thực tế, Gói thầu chỉ thu hút Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thủ Độ tham dự và trúng thầu.
Bên cạnh đó, yếu tố gây hạn chế cạnh tranh cũng thường bắt gặp tại các yêu cầu về thời gian khắc phục sự cố, dịch vụ sau bán hàng... Đơn cử Gói thầu Thiết bị trường học thuộc Dự án Xây dựng, nâng cấp, mua sắm một số thiết bị và các hạng mục khác của các trường học trên địa bàn huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, HSMT yêu cầu “nhà thầu đề xuất biện pháp kỹ thuật hợp lý để huy động đội ngũ kỹ thuật tới nơi sử dụng trong vòng 01 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của Chủ đầu tư để khắc phục sự cố thiết bị xảy ra trong thời gian bảo hành”. Gói thầu Mua sắm bổ sung đồ dùng vật tư trang thiết bị dạy và học cho các trường trên địa bàn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu có yêu cầu “nhà thầu cam kết có mặt xử lý sự cố trong vòng 02 giờ khi được thông báo của Chủ đầu tư”... Theo đánh giá của đa số nhà thầu, khoảng thời gian như trên là quá gấp gáp, rất khó để xoay xở kịp, nhất là đối với nhà thầu ngoại tỉnh. Thông thường, việc khắc phục sự cố thiết bị được yêu cầu trong vòng từ 8 - 24 giờ.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có thông báo trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia về một số tiêu chí làm hạn chế nhà thầu. Trong đó có hành vi: “HSMT gói thầu mua sắm hàng hóa yêu cầu nhà thầu phải cung cấp hàng hóa theo đúng thiết kế riêng của chủ đầu tư; số lượng hàng hóa mà nhà thầu trúng thầu phải sản xuất theo thiết kế lớn. Tuy nhiên, HSMT lại quy định thời gian thực hiện hợp đồng chỉ có 15 ngày, không bảo đảm tính khả thi trong việc sản xuất hàng hóa, cung cấp, lắp đặt”. Theo đó, Bộ KH&ĐT khuyến nghị khi lập HSMT, chủ đầu tư/bên mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Ngoài quy định tại Phụ lục 9 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, chủ đầu tư, bên mời thầu cần tham khảo, tránh đưa ra các yêu cầu làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, tùy quy mô, tính chất của gói thầu, mỗi chủ đầu tư/bên mời thầu có thể đưa ra các yêu cầu về thời gian thực hiện hợp đồng; thời gian khắc phục sự cố, dịch vụ sau bán hàng cụ thể. Tuy nhiên, việc đưa ra yêu cầu phải căn cứ vào tính khả thi, khả năng đáp ứng của số đông nhà thầu, tránh trường hợp đưa ra các điều kiện khu biệt, gây hạn chế nhà thầu.