Chiều 14/1, trả lời tại TAND thành phố Hoà Bình về việc Bệnh viện đa khoa Hoà Bình có được phép thành lập đơn nguyên thận nhân tạo để thực hiện kỹ thuật lọc máu không? bị cáo Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện) đáp: Lập đơn nguyên là thẩm quyền của bị cáo, chỉ khi thành lập khoa, phòng mới phải làm đề án xin Sở Y tế cấp tỉnh cấp phép.
Việc thành lập đơn nguyên về mặt lý thuyết có thể do trưởng khoa quyết định. Tuy nhiên đơn nguyên thận nhân tạo có nhiều phức tạp về kỹ thuật, quy trình và nhân lực nên giám đốc bệnh viện trực tiếp quyết định.
Nguyên giám đốc Trương Quý Dương.
Tháng 3/2010, phó giám đốc Hoàng Đình Khiếu đại diện Bệnh viện đa khoa Hoà Bình ký hợp đồng chuyển giao công nghệ lọc máu với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). 26 bác sĩ, điều dưỡng của đơn nguyên lọc máu sau đó được đào tạo dưới hình thức "cầm tay chỉ việc" ở Bệnh viện Bạch Mai.
Máy chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Hoà Bình.
Là giám đốc song ông không ban hành quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng hệ thống RO để nhân viên tuỳ tiện sử dụng. Ông Dương ký các hợp đồng, thanh lý hợp đồng sửa chữa nhưng không sâu sát kiểm tra để gây ra hậu quả làm 9 người chết.
Khai tại toà hôm 14/1, ông Dương cho rằng đơn nguyên thận nhân tạo có hình thức hoạt động như một khoa trong bệnh viện nên phần việc của nhân sự do trưởng khoa điều phối. Theo phân cấp chức năng quyền hạn, thẩm quyền phân công người ở đơn nguyên thuộc về lãnh đạo khoa.
Bệnh nhân chịu 7,7 USD một ca chạy thận nhân tạo
Năm 2009, ông Dương đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình ký hợp đồng liên kết khai thác hệ thống máy chạy thận nhân tạo. Một lần chạy thận nhân tạo chu kỳ, bệnh nhân phải trả 400.000 đồng/ca. Mức giá này đã được UBND tỉnh Hoà Bình phê duyệt. "Nếu có bị trả thêm là do đơn nguyên tự ý thu và người nào thu sẽ phải chịu trách nhiệm", ông Dương nói.
Hàng ngày điều dưỡng viên nào của đơn nguyên đến trước sẽ vào khởi động hệ thống lọc nước RO, quan sát chỉ số báo an toàn của đồng hồ dẫn điện. Sau khi thăm khám bệnh nhân thấy chỉ số sinh tồn đảm bảo bác sĩ sẽ ra y lệnh lọc thận.
Mỗi ca chạy thận, công ty Thiên Sơn (đơn vị cung cấp thiết bị) được hưởng 90% và không quá 3.800 lần chạy trên một máy. Thiên Sơn có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật sử dụng máy. Bệnh viện Hoà Bình cung cấp nhân lực, đào tạo bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viện chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn.
Thời điểm có nhiều biến động giá nhập khẩu và lãi suất ngân hàng, Công ty Thiên Sơn được hưởng 7,7 USD một ca chạy thận. Sau khi chạy được số lượng thoả thuận, bệnh viện được toàn quyền sử dụng máy.
Giám đốc Công ty Thiên Sơn Đỗ Anh Tuấn.
Theo bị cáo Dương, việc quyết định chạy thận cho bệnh nhân như thế nào là trách nhiệm của bệnh viện, Thiên Sơn không có quyền can thiệp. Thiên Sơn chỉ cử người giám sát ca chạy thận để đảm bảo quyền lợi của họ chứ không có trách nhiệm giám sát quy trình chạy thận.
Sáng nay, phiên toà tiếp tục ngày làm việc thứ hai.
Theo cáo trạng, sáng 29/5/2017, 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường. 9 người tử vong. Nguyên nhân do nguồn nước chạy thận không đảm bảo. Vụ án sau đó được đưa ra xét xử ba lần trong vòng 6 tháng song đều bị hoãn.
Hoàng Công Lương (bác sĩ), Bùi Mạnh Quốc sau đó bị xét xử về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù.
Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư) cùng Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285 Bộ luật hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 12 năm tù.