Bị BIDV rao bán nợ, sức khỏe DIC ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 3/10 tới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ Khu công nghiệp Chơn Thành, xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đây là tài sản của Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC thế chấp tại BIDV để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp đối với ngân hàng.
Nhà máy Xi măng DIC Bình Phước. Ảnh: Internet
Nhà máy Xi măng DIC Bình Phước. Ảnh: Internet

Tài sản bao gồm quyền sử dụng 1 ha đất khu công nghiệp, có thời hạn sử dụng đến ngày 1/1/2054; tài sản gắn liền với đất là Nhà máy Xi măng DIC Bình Phước gồm kho clinker, kho xi măng, nhà nghiền xi măng... cùng nhiều máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải của Nhà máy.

Cuối tháng 7/2022, BIDV lần đầu rao bán khoản nợ này với mức giá khởi điểm 31,85 tỷ đồng. Tại lần đấu giá này, mức giá bán vẫn được giữ nguyên. Giá khởi điểm chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm các chi phí liên quan đến việc mua, sở hữu tài sản đấu giá như chi phí chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản, tháo dỡ, di dời, vận chuyển, bảo vệ tài sản...

BIDV lưu ý đây là những tài sản đã qua sử dụng, được bán đấu giá đồng thời, không bán tách rời. Tài sản được bán theo hiện trạng thực tế tài sản. Người đăng ký tham gia đấu giá đã được tạo điều kiện xem tài sản và tự chịu trách nhiệm khi quyết định mua tài sản.

Giá trị của khoản nợ bán đấu giá không được công bố và theo báo cáo tài chính bán niên 2022, DIC ghi nhận khoản vay ngắn hạn 580,7 tỷ đồng tại BIDV - Chi nhánh Sài Gòn. Ngoài ra, Công ty cũng phát sinh khoản vay dài hạn tại BIDV với giá trị 25,6 tỷ đồng.

Theo thuyết minh thể hiện trên báo cáo tài chính bán niên 2021 đã được kiểm toán, khoản vay giữa DIC và BIDV phát sinh theo hợp đồng tín dụng ký ngày 8/8/2019 với tổng hạn mức cho vay 600 tỷ đồng (thời hạn 12 tháng); hợp đồng ký ngày 27/7/2018 với tổng hạn mức 100 tỷ đồng (thời hạn 12 tháng) và hợp đồng tín dụng ký ngày 14/5/2014 với thời hạn vay 84 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên với lãi suất 11,5% cho mục đích thanh toán tiền mua dây chuyền sản xuất clinker, xi măng. Các khoản nợ này đều được ghi nhận là đã quá hạn thanh toán.

Ngoài khoản vay tại BIDV, tại thời điểm cuối quý II/2022, DIC cũng ghi nhận khoản vay 101,4 tỷ đồng phát sinh tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC) và 32,4 tỷ đồng tại Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB).

Tài sản bảo đảm của DIC được BIDV rao bán để thu hồi nợ diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của Công ty liên tục gặp khó khăn kể từ năm 2019 đến nay. Cụ thể, Công ty lỗ hơn 64 tỷ đồng trong năm 2019 và một trong những nguyên nhân chính là do gánh nặng chi phí lãi vay. Sang năm 2020, DIC tiếp tục lỗ thêm gần 121 tỷ đồng và lãi 0,314 tỷ đồng trong năm 2021.

Sau 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của DIC không mấy khả quan khi doanh thu chưa đạt đến 1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 793 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, DIC ghi nhận khoản lỗ 45,6 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên hơn 223 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II/2022, tổng tài sản của DIC đạt 1.162 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ở mức 1.116 tỷ đồng. Trong khi đó, số dư tiền của Công ty chỉ còn ở mức hơn 6,8 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 770,8 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư và Thương mại DIC thành lập năm 2003, tiền thân là Công ty Đầu tư và Xây dựng Vũng Tàu. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh clinker, sắt thép, xi măng, than cám…

Tin cùng chuyên mục