Bị cáo Đinh La Thăng nghe tòa tuyên án. Ảnh: TTXVN |
Chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33 trái quy định
Ngày 15/10/2010, Hội đồng Thành viên PVN đã ra Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN phê duyệt phương án thành lập liên danh tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, trong đó có nội dung: “PVC là thành viên đứng đầu liên danh, nhà thầu nước ngoài tham gia được lựa chọn theo hình thức đầu thầu quốc tế…”.
Như vậy, Nghị quyết Hội đồng Thành viên PVN đã nêu rõ, muốn thực hiện dự án, PVC phải thành lập liên danh tổng thầu với các nhà thầu nước ngoài có đủ năng lực và kinh nghiệm. Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Đinh La Thăng vẫn chỉ định PVC là nhà thầu duy nhất làm tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, vi phạm Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN ngày 15/10/2010 của Hội đồng Thành viên PVN, Điều lệ PVN.
Lời khai của bị cáo Đinh La Thăng tại tòa cũng thể hiện: Bị cáo thừa nhận do sức ép về tiến độ nên có sai phạm về quy trình trong việc chỉ định PVC làm tổng thầu không thông qua Hội đồng Thành viên.
Mặt khác, trong khi thực hiện dự án đầu tư hiệu chỉnh chưa được phê duyệt, chưa có thiết kế FEED, tổng dự toán, thiết kế bản vẽ thi công, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ dự thầu và một loạt các thủ tục pháp lý khác có liên quan nhưng do nôn nóng, cũng như do sức ép công việc nên bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33 trái quy định.
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) khai tại thời điểm ký kết, Hợp đồng 33 Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chưa có căn cứ pháp lý, chưa đủ điều kiện để ký kết Hợp đồng EPC, nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo là phải nhanh chóng ký Hợp đồng EPC số 33 là do tại thời điểm này, bị cáo Đinh La Thăng và Phùng Đình Thực (nguyên Tổng Giám đốc PVN) chỉ đạo yêu cầu rút ngắn tiến độ, ký Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 trước ngày 28/2/2011.
Điều này phù hợp với lời khai của người làm chứng là ông Vũ Huy Quang (Tổng Giám đốc PVPower) trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa về việc ký kết hợp đồng EPC số 33 là do sức ép của PVN. Cụ thể, PVPower đã báo cáo bị cáo Đinh La Thăng về việc để có thể ký kết hợp đồng phải mất khoảng 5-6 tháng và chỉ có thể ký kết hợp đồng vào trung tuần tháng 6/2011. Tuy nhiên, bị cáo Đinh La Thăng vẫn yêu cầu phải ký hợp đồng trước 28/2/2011 để khởi công dự án vào ngày 1/3/2011.
Do vậy, theo Hội đồng xét xử, có đủ cơ sở để khẳng định bị cáo Đinh La Thăng đã được báo cáo và biết rõ phải đến tháng 6/2011 mới có đủ hồ sơ để ký kết Hợp đồng EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết Hợp đồng trái quy định về hợp đồng tại Điều 4, Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 và khoản 2, Điều 4, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng thừa nhận đã chỉ đạo tạm ứng vốn 10% cho PVC trong khi tài liệu thể hiện Hợp đồng EPC số 33 PVC thiếu nhiều nội dung quan trọng không có cơ sở để tạm ứng như: Không có Điều 14 (Giá trị hợp đồng và Thanh toán) và Điều kiện Hợp đồng, không có Phụ lục 2 (Điều kiện và Quy trình thanh toán) quy định về khoản tạm ứng… vi phạm khoản 2, khoản 6, Điều 17 - Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Căn cứ vào các tài liệu và lời khai của các bị cáo khác, Hội đồng xét xử đã khẳng định: bị cáo Đinh La Thăng biết rõ điều kiện, năng lực của PVC đang rất khó khăn nhưng bị cáo vẫn yêu cầu và chỉ định thầu cho PVC thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Như vậy, bị cáo là người đứng đầu PVN đã có hành vi chỉ định thầu cho PVC làm tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 khi biết rõ PVC không có đủ năng lực về tài chính cũng như kinh nghiệm để làm tổng thầu dự án này, nên ý kiến của bị cáo Đinh La Thăng về việc không biết PVC không có năng lực là không có căn cứ.
Đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, Hội đồng xét xử cho rằng hành vi của bị cáo Đinh La Thăng có đầy đủ dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, chứ không phải là tội danh khác như bị cáo và luật sư đưa ra.
Việc truy tố Trịnh Xuân Thanh là hoàn toàn có căn cứ pháp luật
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tòa tuyên án. Ảnh: TTXVN
Về nội dung này, Hội đồng xét xử nhận thấy, đối với việc chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận chỉ đạo ký kết hợp đồng số 33 trong khi hồ sơ chuẩn bị không đầy đủ theo quy định của pháp luật. Điều này phù hợp với lời khai tại phiên tòa của bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng Giám đốc PVC) về việc đã báo cáo Trịnh Xuân Thanh về các thiếu sót của Hợp đồng EPC số 33.
Sau khi ký kết Hợp đồng EPC số 33, Ban Giám đốc PVC có tờ trình số 755/TTr-XLDK ngày 8/3/2011 về việc đề nghị Hội đồng Quản trị phê duyệt nội dung thực hiện hợp đồng thực hiện gói thầu EPC xây dựng nhà máy chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Trịnh Xuân Thanh đã ký phiếu lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng Quản trị số 149/HĐQT-XLDK ngày 10/3/2011 về việc phê duyệt nội dung thực hiện hợp đồng thực hiện gói thầu EPC xây dựng nhà máy chính thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Theo quy định tại Điều 108 - Luật Doanh nghiệp cũng như Điều lệ PVC, đối với Hợp đồng EPC số 33, quyền quyết định ký kết là của Hội đồng Quản trị.
Như vậy, vai trò của Trịnh Xuân Thanh là quyết định trong việc chỉ đạo, điều hành PVC ký kết Hợp đồng EPC số 33. Ý kiến của các luật sư cho rằng, bị cáo có vai trò mờ nhạt và chỉ thiếu trách nhiệm là không có cơ sở.
Đối với việc xin cấp tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng, Trịnh Xuân Thanh thừa nhận đã đôn đốc việc xin tạm ứng tiền. Điều này phù hợp với lời khai của bị cáo Vũ Đức Thuận tại phiên tòa về việc đẩy nhanh tiến độ xin PVN tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng là theo chỉ đạo của Thanh. Lúc đó, tài chính công ty rất khó khăn, chỉ trông chờ nguồn tiền dự án. Điều này cũng phù hợp với lời khai của bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVC) là: tại PVC, việc quản lý và điều hành là rất gần nhau. Trịnh Xuân Thanh là người quản lý nhưng luôn tham gia việc giao ban tuần, tháng của Ban Giám đốc. Các chỉ đạo của Thanh tại những cuộc họp này luôn được Tổng Giám đốc tiếp thu và đưa vào Kết luận của Ban điều hành.
Cũng như lời khai của bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên Kế toán trưởng PVC) là tại thời điểm tháng 4/2011, tình hình tài chính PVC rất khó khăn. Khi nhận chức Kế toán trưởng, bị cáo đã có báo cáo nhanh về tình hình này đối với Hội đồng Quản trị, trong đó có Trịnh Xuân Thanh và Ban Giám đốc nên bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã biết được tình hình tài chính của PVC.
Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Tiến Đạt khẳng định, tất cả các việc góp vốn đều thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng Quản trị, khi sắp xếp nguồn vốn để góp vốn đều báo cáo Hội đồng Quản trị. Bị cáo Nguyễn Mạnh Tiến khẳng định, nếu không có sự chỉ đạo của Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc thì không thể sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích vì phải có sự phê duyệt của Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc…
Như vậy, có đủ căn cứ để khẳng định: Trịnh Xuân Thanh biết được PVC không đủ năng lực để làm tổng thầu thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, chưa đủ điều kiện để ký kết nhưng bị cáo vẫn chỉ đạo ký kết Hợp đồng EPC số 33; chỉ đạo việc xin tạm ứng thực hiện hợp đồng và sử dụng tiền tạm ứng thực hiện hợp đồng sai mục đích, vi phạm khoản 6, Điều 17, Nghị định 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Hội đồng xét xử kết luận: Hành vi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh có đủ dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 3, điều 165, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Bản án sơ thẩm nhận định, PVC tại thời điểm được chỉ định thầu trái pháp luật, ký kết Hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng EPC số 4194 khi chưa đủ điều kiện, tạm ứng vốn trái phép là một doanh nghiệp đang thâm hụt tài chính, không đủ kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn. Điều này đã được các bị cáo Vũ Đức Thuận, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Mạnh Tiến, Phạm Tiến Đạt khẳng định trước tòa, cũng đã được Ban Quản lý dự án và PVPower báo cáo.
Cũng cùng thời điểm đó, PVC được PVN chỉ định thầu xây dựng một số dự án khác như Ethanol Dung Quất, Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ… cho đến nay đã được Chính phủ xác định thất thoát thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng, mỗi dự án như vậy có nguy cơ trở thành một vụ án, lãnh đạo PVC đang phải đối mặt với nguy cơ điều tra, truy tố, xét xử trong vụ án hình sự khác.
Quyết định chỉ định thầu và chuyển tiền ngay lập tức một cách quyết liệt, vội vã cho doanh nghiệp không đủ năng lực và kinh nghiệm chuyên môn là trái pháp luật, trái chỉ đạo của Chính phủ. Quyết định như vậy đã gây ra sự nghi ngờ to lớn trong nhân dân về sự trong sáng của chủ trương và tính thanh liêm của cán bộ thực hiện.