Ngày 12/2, TAND Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Tiến Hưng (59 tuổi) về tội Tham ô tài sản XHCN (Điều 133, Bộ Luật hình sự 1985) và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ Luật hình sự 1999).
Ông Hưng không có mặt tại tòa và có đơn xin xét xử vắng mặt do tình trạng bệnh lý. HĐXX đã lấy ý kiến đại diện VKS, thảo luận và chấp nhận xét xử vắng mặt bị cáo.
Theo cáo trạng, cửa hàng bán và giới thiệu số 2 do Công ty dịch vụ thương mại số 1 (thuộc Tổng Công ty Dệt may Việt Nam - doanh nghiệp Nhà nước), quản lý. Cửa hàng này đã thuê nhà của Hưng trên phố Nguyễn Trường Tộ (quận Ba Đình) để kinh doanh.
Trong thời gian đó, Hưng được cửa hàng trưởng Vũ Tiến Chù tin tưởng giao chìa khóa kho hàng, với mục đích ban đầu để xử lý sự cố không may như cháy nổ, ngập lụt... Với quan hệ này, Hưng đã nhiều lần tự ý bán hàng, giới thiệu người đến mua và tự thu tiền nộp cho ông Chù.
Hưng tạo được tin tưởng và ông Chù coi chủ nhà này như "cộng tác viên" của cửa hàng rồi cùng nhau lập các phương án kinh doanh, sử dụng chứng từ hóa đơn khống để tham ô tài sản của Công ty dịch vụ thương mại số 1.
Cơ quan công tố xác định, từ tháng 4/1996 đến tháng 5/1996, Hưng đề xuất với ông Chù lập hai phương án kinh doanh xin vay của công ty "mẹ" 1,6 tỷ đồng mua lô vải thanh lý của Hải quan Hải Phòng. Sau đó, bán lại cho công ty thương mại Hà Bắc với giá hai tỷ đồng (đã nhận trước 1,5 tỷ).
Không trúng thầu, không có hàng giao cho đối tác, ông Chù và Hưng đã dùng bốn hóa đơn khống để tất toán, báo cáo với Công ty "mẹ", để chiếm đoạt số tiền này. Trong khi đó, biết đối tác không trúng thầu, công ty Hà Bắc đòi lại tiền. Nhiều lần thúc giục, công ty này được Chù và Hưng trả lại 860 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
Tháng 6/1996, cũng theo đề xuất của Hưng, ông Chù đã trình hai phương án kinh doanh mua vải để công ty "mẹ" giao 900 triệu đồng. Ngay sau khi nhận tiền, ông Chù đưa cho Hưng để thực hiện phương án. Số tiền này đã bị Hưng chiếm đoạt, chi tiêu cá nhân.
Không chỉ chiếm đoạt tiền số tiền trên, cặp đôi Chù và Hưng còn lừa đảo công ty Dệt may 7 (doanh nghiệp Nhà nước).
Theo cáo buộc, cuối năm 1996, công ty Dệt may 7 cần bán một số vải tồn kho, nên Hưng bàn với Chù lấy danh nghĩa Công ty dịch vụ thương mại số 1 để ký hợp đồng mua hàng, bán kiếm lời.
Ông Chù đã dùng các bản hợp đồng đóng dấu khống của công ty từ đợt tham gia đấu thầu mua vải của Hải quan Hải Phòng để ký với Công ty Dệt may 7. Tổng giá trị hàng hóa hai bên mua - bán là hơn 1,9 tỷ đồng với trên 110.000 mét vải, bên mua trả trước 30%.
Nhận số hàng, Hưng mới giao 50 triệu đồng và nói với Chù sẽ chịu trách nhiệm tiêu thụ, thu tiền trả cho Công ty Dệt may 7, lãi hai bên cùng hưởng.
Sau khi phát hiện Chù ký hợp đồng trên, Công ty Dịch vụ thương mại đã báo Công ty Dệt may 7 vô hiệu hóa, niêm phong số hàng còn lại đã giao trước đó. Thiệt hại của công ty Dệt may 7 là hơn 600 triệu đồng.
Ngoài ra, với sự giúp sức của Chù, Hưng còn lừa đảo chiếm đoạt gần gần ba tỷ đồng của cửa hàng vàng bạc đá quý số 5 (doanh nghiệp Nhà nước) bằng hình thức vay, cầm đồ. Hưng dùng các kho vải, sợi không có thật để vay tiền của cửa hàng này. Các hóa đơn về số hàng đều do Chù giúp lập khống để Hưng cầm cố.
Năm 1997, hành vi của Hưng và Chù bị phát hiện, khởi tố cùng hai tội danh Tham ô tài sản XHCN (Điều 133 Bộ Luật hình sự 1985) và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN (Điều 134 Bộ Luật hình sự 1985). Ông Chù bị bắt, nhận tổng cộng 20 năm cho hai tội danh trên. Hưng trốn truy nã vào TP HCM, năm 2016 bị bắt giữ sau 19 năm bỏ trốn.
Tòa đã tuyên phạt bị cáo Hưng tổng cộng 20 năm tù.
Ông Ngô Minh Long (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, việc tòa chấp nhận xét xử vắng mặt bị cáo bởi lời khai của ông Hưng và các bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã thể hiện rõ trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, theo nguyên tắc tố tụng, VKS và tòa không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.