Bị phát mãi tài sản, Thủy sản số 4 còn gì?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thua lỗ kỷ lục trong năm 2020 khiến tình hình tài chính của Công ty CP Thủy sản số 4 trở nên tiêu cực. Khả năng thanh toán các khoản nợ bị đặt dấu hỏi và đang có nhiều ngân hàng mắc kẹt với công ty này. Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thông báo phát mãi tài sản của Thủy sản số 4 thông qua hình thức bán đấu giá.
Giá vốn của mảng thủy sản tăng đột biến trong năm 2020 là một trong những nguyên nhân khiến Công ty CP Thủy sản số 4 thua lỗ. Ảnh: Nhã Chi
Giá vốn của mảng thủy sản tăng đột biến trong năm 2020 là một trong những nguyên nhân khiến Công ty CP Thủy sản số 4 thua lỗ. Ảnh: Nhã Chi

Theo thông báo của Vietcombank, tài sản bán đấu giá là giá trị thuê đất, chi phí đầu tư trên đất (công trình xây dựng, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, chi phí đắp, đào và gia cố cừ tràm) và cây trồng trên đất của Công ty CP Thuỷ sản số 4, tọa lạc tại xã Tân Hoà, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Giá khởi điểm là 14,4 tỷ đồng.

Việc bị ngân hàng phát mãi tài sản phần nào cho thấy tình cảnh khó khăn của Thủy sản số 4.

Sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát do lỗ sau thuế hai năm liên tiếp, Công ty CP Thủy sản số 4 đã công bố giải trình về kết quả thua lỗ kỷ lục hơn 144 tỷ đồng trong năm 2020. Theo đó, dù doanh thu năm 2020 đạt gần 340 tỷ đồng, tăng 69% so với năm 2019 nhưng sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Công ty âm hơn 43 tỷ đồng.

Lý giải cho việc giá vốn tăng mạnh, Công ty cho biết, giá vốn của mảng thủy sản tăng đột biến trong năm 2020, đồng thời Công ty phải thực hiện giảm giá trị hàng tồn kho gần 45 tỷ đồng do giá thị trường giảm. Ngoài ra, Công ty phải trích dự phòng nợ phải thu khó đòi hơn 15 tỷ đồng khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 2,2 lần so với năm 2019.

Tại thời điểm cuối năm 2020, vốn điều lệ của Công ty CP Thủy sản số 4 ở mức 161,6 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (doanh nghiệp nhà nước) với tỷ lệ sở hữu 26,9%, hai cá nhân Nguyễn Văn Lực và Thái Cường lần lượt sở hữu 24,82% và 9,32%.

Với kết quả trên, tính đến cuối năm 2020, tổng lỗ lũy kế của Thủy sản số 4 lên đến 147,2 tỷ đồng và gần chạm tới vốn điều lệ 161,6 tỷ đồng. Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP.HCM - đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Thủy sản số 4 cho biết, ngoài khoản lỗ làm cho vốn chủ sở hữu của Công ty giảm đi đáng kể, các khoản vay và nợ phải trả đã quá hạn thanh toán và tổng số nhân viên chỉ còn 56 người đặt ra những nghi ngại về khả năng hoạt động liên tục của Thủy sản số 4 trong thời gian tới.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Công ty ở mức 967,7 tỷ đồng, trong đó, số dư tiền và các khoản tương đương tiền chỉ vỏn vẹn 0,255 tỷ đồng. Còn nợ phải trả chiếm tới 88%, tương đương 855,8 tỷ đồng với hơn 597 tỷ đồng là nợ vay ngắn và dài hạn.

Chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Sài Gòn với khoản tín dụng 297,3 tỷ đồng, đã được bổ sung thời hạn vay đến ngày 31/8/2020. Khoản nợ được thế chấp bằng ô tô, máy móc thiết bị và dây chuyền sản xuất, sổ tiết kiệm và nhiều quyền sử dụng đất.

Một ngân hàng khác cũng đang cho Thủy sản số 4 vay hơn 170 tỷ đồng là Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank). Trong khoản vay này đã có 94,86 tỷ đồng quá hạn thanh toán, Ngân hàng đã chuyển sang theo dõi tài khoản nhận gán nợ và đang tiến hành xử lý các tài sản thế chấp cho khoản vay.

Ngoài ra, Thủy sản số 4 cũng đang vay nhiều thành viên lãnh đạo Công ty với số tiền lên đến 91,1 tỷ đồng. Đây là các khoản vay không thời hạn, Công ty sẽ trả nợ khi bên cho vay có nhu cầu với lãi suất 9%/năm.

Tin cùng chuyên mục