Bị qua mặt, hai ngân hàng mất gần 50 tỷ đồng

(BĐT) - Nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH NN MTV Cơ khí Quang Trung kiêm Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh xuất nhập khẩu tổng hợp Nguyễn Duy Xuyên đã lừa đảo hai ngân hàng để chiếm đoạt gần 50 tỷ đồng. 
Với chiêu làm giả báo cáo tài chính, bị cáo Nguyễn Duy Xuyên đã qua mặt VietinBank - Đông Hà Nội để được giải ngân số tiền gần 25 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Quỳnh
Với chiêu làm giả báo cáo tài chính, bị cáo Nguyễn Duy Xuyên đã qua mặt VietinBank - Đông Hà Nội để được giải ngân số tiền gần 25 tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Quỳnh

Cơ quan công tố cáo buộc Nguyễn Duy Xuyên và các đồng phạm đã lập các hợp đồng mua bán khống, giả chữ ký để lập hồ sơ vay vốn ngân hàng rồi chiếm đoạt.

Lập hồ sơ khống để được Agribank giải ngân 25 tỷ đồng

Theo cáo buộc của cơ quan công bố, lợi dụng việc được Tổng giám đốc ủy quyền làm thủ tục xin vay vốn của 2 ngân hàng để phục vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh thép của Xí nghiệp Kinh doanh xuất nhập khẩu tổng hợp (Xí nghiệp tổng hợp), bị cáo Xuyên cùng các đồng phạm đã làm giả hồ sơ, lập khống hồ sơ mua bán hàng hóa để chiếm đoạt.

Cụ thể, vào tháng 5/2011, Nguyễn Duy Xuyên đã lập hồ sơ đề nghị Agribank - Nam Hà Nội cấp hạn mức tín dụng 25 tỷ đồng nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động. Tài sản đảm bảo là hàng hóa thép tồn kho luân chuyển và phần còn lại xin vay không có đảm bảo bằng tài sản.

Quá trình thẩm định hồ sơ, Ngân hàng xác định, Xí nghiệp tổng hợp có số lượng thép tồn kho luân chuyển là gần 3 triệu kg, trị giá hơn 40,8 tỷ đồng. Căn cứ kết quả thẩm định, Ngân hàng cấp tín dụng 22 tỷ đồng, sau đó nâng lên 25 tỷ đồng theo đề nghị của Nguyễn Duy Xuyên.

Nhưng thực tế, Xuyên và các nhân viên của Xí nghiệp tổng hợp đã lập các hợp đồng mua bán phôi thép khống: Xí nghiệp tổng hợp mua phôi thép của Công ty CP Thép Đông Á. Công ty CP Thép Đông Á lại mua thép của Công ty Thép Hà Nội. Công ty Thép Hà Nội mua thép của Xí nghiệp tổng hợp.

Xí nghiệp tổng hợp sử dụng hợp đồng mua thép với Công ty Thép Đông Á để đưa vào hồ sơ đề nghị giải ngân. Sau khi ngân hàng giải ngân vào tài khoản của Công ty Thép Đông Á, dòng tiền chảy ngược trở lại qua tài khoản của Công ty Thép Hà Nội, rồi chuyển tới Xí nghiệp tổng hợp. Trên thực tế, 14 hợp đồng mua thép đều là hợp đồng khống.

Đến năm 2013, sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bị cáo Xuyên và bị cáo Thân Thị Nhậm (sinh năm 1955, vợ Xuyên), Giám đốc Công ty CP Thép Hà Nội đã thỏa thuận với ngân hàng việc Công ty CP Thép Hà Nội sử dụng Dự án Nhà máy Thép Đông Á thế chấp cho ngân hàng để bảo lãnh khoản vay phát sinh dư nợ của Xí nghiệp tổng hợp. Ngân hàng định giá nhà máy thép này có giá trị 35,2 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan điều tra đã kê biên tài sản này, nhưng với chứng từ hóa đơn hiện có, không đủ căn cứ định giá. 

VietinBank cho vay dù không có tài sản đảm bảo

Cùng thời điểm này, Nguyễn Duy Xuyên lừa đảo VietinBank - Đông Hà Nội số tiền 24,9 tỷ đồng. Để được Ngân hàng cho vay không có tài sản đảm bảo, bị cáo đã làm giả Báo cáo tài chính năm 2010 để được vay vốn không có tài sản đảm bảo. Báo cáo tài chính giả này có các chỉ tiêu tài chính không đúng với báo cáo tài chính thật như tổng số hàng tồn kho, nguồn vốn phải trả người bán thấp hơn 9 tỷ đồng, dẫn đến hệ số tự tài trợ cao hơn, kết quả sản xuất kinh doanh có lãi…

Nhằm hợp lý hóa báo cáo tài chính giả, bị cáo Xuyên liên hệ với Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán S&S làm giả báo cáo kiểm toán. Bất chấp công ty không đồng ý, Phùng Trung Kiên (kiểm toán viên) vẫn ký báo cáo kiểm toán giả. Tháng 6/2011, bị cáo Xuyên gửi hồ sơ giả trên đến ngân hàng và đề nghị vay vốn 50 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh với điều kiện không có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ duyệt số tiền vay tối đa là 25 tỷ đồng.  

Để được giải ngân, bị cáo Xuyên cùng các đồng phạm lập 17 hợp đồng mua bán thép số lượng hơn 1,5 triệu kg, trị giá hơn 23,2 tỷ đồng. Ngân hàng tin việc mua bán này có thật và giải ngân số tiền 24,9 tỷ đồng. Trong khi ngân hàng đang giải ngân, Xuyên, Nhậm làm thao tác ký hợp đồng với Xí nghiệp tổng hợp trả lại hàng cho Công ty Thép Hà Nội. Công ty Thép Hà Nội nhận lại hàng nhưng không trả lại tiền. Xuyên và Nhậm bị cáo buộc chiếm đoạt của ngân hàng số tiền 24,9 tỷ đồng.

Đến hạn thanh toán, ngân hàng tự khấu trừ từ tài khoản của Công ty TNHH NN MTV Cơ khí Quang Trung số tiền gốc là 695 triệu đồng. Dư nợ gốc tính đến ngày 31/12/2014 là 24,2 tỷ đồng. Ngân hàng đề nghị bị cáo phải bồi thường tiền gốc và lãi theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để chiếm đoạt tiền vay của ngân hàng, Nguyễn Duy Xuyên còn dùng thủ đoạn thanh toán bằng tiền mặt với khách hàng mua hàng của Xí nghiệp tổng hợp để tránh việc ngân hàng khấu trừ nợ. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của 2 ngân hàng là 49,9 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, một số cán bộ ngân hàng có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhưng do thời hạn điều tra đã hết nên tách rút thành vụ án khác.

Mới đây TAND TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, HĐXX đã trả lại hồ sơ vụ án để điều tra, làm rõ thêm một số vấn đề.

Tin cùng chuyên mục