Môi trường số đang phát triển mạnh mẽ và hành vi người tiêu dùng chuyển dịch lên môi trường số dẫn tới các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được hưởng lợi vô cùng lớn |
Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thực hiện chuyển đổi số một cách bài bản, chắc hẳn hành trình ấy không hề dễ dàng và VNPT đã vượt qua như thế nào, thưa ông?
Qua thực tiễn CĐS chính mình và đồng hành cùng đối tác, VNPT thấu hiểu bản chất của quá trình CĐS là sự chuyển đổi về mô hình kinh doanh, gia tăng hiệu quả quản trị, đổi mới sáng tạo sản phẩm dịch vụ nhiều hơn là chỉ ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào DN.
Việc ứng dụng các công nghệ số, dữ liệu số vào hoạt động kinh doanh đòi hỏi lãnh đạo DN tự nâng cấp mình thành lãnh đạo số, là người tiên phong có nhận thức số, tư duy số. Lãnh đạo số là yếu tố tiên quyết giúp hình thành văn hóa đổi mới sáng tạo, tổ chức thực hiện ứng dụng công nghệ vào DN và luôn đồng hành giải quyết các khó khăn, vướng mắc của đội ngũ trong quá trình chuyển đổi nhờ công nghệ và dữ liệu.
Theo khung CĐS của VNPT đối với DNNVV thì lãnh đạo số được đặt ở trung tâm, thúc đẩy 4 trụ cột CSĐ của bất cứ DN nào. Các trụ cột này gồm: gia tăng trải nghiệm khách hàng; gia tăng trải nghiệm nhân viên; tối ưu hiệu quả hoạt động, quản trị DN; đổi mới sáng tạo sản phẩm dịch vụ và mô hình kinh doanh đột phá.
Ông Tô Dũng Thái |
Ở vai trò “thuyền trưởng” của VNPT, ông từng nhấn mạnh đây là thời điểm chuyển mình và là giai đoạn bản lề để đưa Tập đoàn thành công trong hành trình tiên phong dẫn dắt triển khai CĐS ở Việt Nam. VNPT đã làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này?
Là một DN viễn thông và công nghệ thông tin nòng cốt của đất nước, VNPT có chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và đã chủ động tham gia tích cực trong các hoạt động CĐS quốc gia trong thời gian qua.
Theo đó, Tập đoàn thực hiện đầu tư mở rộng quy mô hệ thống cung cấp dịch vụ đám mây, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu lưu trữ, xử lý, kết nối tốc độ cao của các tổ chức, cá nhân. Nền tảng đám mây của VNPT hỗ trợ tích cực cho các tổ chức, DN công nghệ trong việc tiết kiệm chi phí hạ tầng, rút ngắn thời gian phát triển, triển khai, cung cấp dịch vụ. VNPT đang sở hữu các trung tâm dữ liệu lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế Uptime Tier III, ISO/IEC 27001, ISO 9001: 2015.
Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ và cung cấp các nền tảng số có tính chất công nghệ cao, đột phá, phục vụ nhu cầu phát triển sản phẩm 4.0 của chính VNPT, đồng thời cung cấp cho đối tác, hướng đến mục tiêu trở thành đối tác tin cậy giúp các DN công nghệ Việt Nam có một nền tảng vững chắc để phát triển các ứng dụng công nghệ “Make in Vietnam”, phục vụ thị trường trong nước và hướng ra môi trường quốc tế.
Các nền tảng ứng dụng của VNPT được thiết kế theo hướng mở, cho phép các đơn vị bên thứ ba có thể kế thừa và phát triển theo nhu cầu đa dạng của khách hàng, từ đó hình thành hệ sinh thái ứng dụng đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Ngoài ra, VNPT thực hiện nghiên cứu và xây dựng các digital marketplace (nền tảng giao dịch) cho các sản phẩm dịch vụ số của Việt Nam với mục tiêu thu hút, kết nối khách hàng, nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ số trong nước và từng bước mở rộng ra quốc tế. Nền tảng này sẽ giúp cho DN công nghệ, đặc biệt là các DNNVV, DN khởi nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận, cung cấp sản phẩm số của mình đến khách hàng tiềm năng.
Đại đa số DN Việt Nam hiện nay là DNNVV. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và các nỗ lực hỗ trợ khối DN này bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong cuộc cách mạng số?
DNNVV đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Do đó, hỗ trợ DNNVV gia tăng hiệu quả kinh doanh, tồn tại và phát triển luôn được Chính phủ quan tâm thông qua nhiều chương trình hỗ trợ về đào tạo, vườn ươm, tài chính và gần đây là các hoạt động hỗ trợ DNNVV CĐS.
Môi trường số đang phát triển mạnh mẽ và hành vi người tiêu dùng chuyển dịch lên môi trường số dẫn tới các DNNVV đang được hưởng lợi vô cùng lớn từ sự chuyển dịch này. Tôi có niềm tin CĐS sẽ đóng góp giá trị quan trọng, giúp DNNVV tăng hiệu quả hoạt động, mở rộng thị trường và tăng lực cạnh tranh, vượt qua các khó khăn, thách thức trong một môi trường ngày càng mở.
Về phía VNPT, chúng tôi chủ động tham gia các chương trình đồng hành truyền thông, nâng cao nhận thức DNNVV chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thông qua các chương trình này hầu hết DN được biết về CĐS, các lợi ích tiềm năng sẽ đạt được khi thực hiện CĐS. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 9/2022, có 318.000 DNNVV được hỗ trợ CĐS. Với xu hướng CĐS đang diễn ra mạnh mẽ, năm 2023, hoạt động CĐS của DNNVV dự kiến tiếp tục diễn ra sôi động do có sự hỗ trợ kinh phí tư vấn, kinh phí mua giải pháp cho DN; sự đồng hành của các DN nền tảng số.
Xin ông chia sẻ một vài sáng kiến cụ thể trong góp sức thúc đẩy cộng đồng DN Việt Nam CĐS?
Lâu nay, các ứng dụng CĐS hầu hết là phần mềm riêng lẻ, theo từng nghiệp vụ của các phòng ban trong DN mà ít có sự liên thông, kết nối giữa các ứng dụng. Khi nhận diện rõ thực trạng này, VNPT đã tập trung và đầu tư nền tảng CĐS dành riêng cho DNNVV (oneSME.vn) giúp DN có thể dễ dàng tham khảo các sản phẩm dịch vụ phục vụ cho CĐS.
Thời gian tới, oneSME sẽ tiếp tục được nâng cấp để cung cấp online tất cả các dịch vụ công nghệ thông tin của VNPT, đồng thời mở rộng hợp tác để cung cấp sản phẩm dịch vụ của những DN công nghệ khác trên nền tảng này. Với vai trò là DN công nghệ đầu chuỗi giá trị, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN Việt Nam trong quá trình CĐS để từng bước đi đến thành công.