Bí thư Hà Nội: 'Đừng bỏ phiếu qua loa, cho xong chuyện'

"Nếu chúng ta thờ ơ, bầu qua loa cho xong chuyện thì những hoạt động của cơ quan dân cử sẽ khó đảm bảo chất lượng như kỳ vọng", Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu khi đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND sáng 22/5, tại Hà Nội.

Tất cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi bỏ phiếu từ 7h. Đến 11h, thống kê từ Hội đồng bầu cử quốc gia, nhiều khu vực 100% cử tri đã đi bỏ phiếu và chưa nhận được thông tin về "bất cứ điểm bầu cử nào nảy sinh tình hình phức tạp".

Chia sẻ sau khi bỏ phiếu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói: "Quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp chính là cử tri. Vì thế, mỗi người nếu dành thời gian nghiên cứu kỹ tiểu sử, quá trình công tác, tham khảo về chương trình hành động của ứng cử viên thì chắc chắn sẽ bầu đúng người xứng đáng đại diện cho mình vào cơ quan dân cử".

Là cử tri, cũng là người từng tự ứng cử đại biểu Quốc hội, nhưng bị loại sau hội nghị hiệp thương lần 3, ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, cho rằng một cử tri không chú tâm theo dõi thông tin về đại biểu thì sẽ không đủ thông tin để lựa chọn người xứng đáng. "Tôi nghĩ rằng sau này cải tiến thì phải giúp cử tri hiểu rõ về đại biểu", ông nói.

12h

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết vừa cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, đi kiểm tra công tác bầu cử tại một số khu vực Hà Nội. Nhiều tổ bầu cử tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt đến 100%. Các tỉnh thành có tỷ lệ cử tri đi bầu cử đông, đạt tỷ lệ cao gồm: Hà Giang, Cà Mau, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nhiều bạn trẻ lần đầu tiên thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Ảnh:Giang Huy.

Ở tất cả điểm bầu cử, an ninh trật tự được đảm bảo, công tác tổ chức diễn ra tốt đẹp. "Hiện chưa nhận được thông tin về bất cứ điểm bầu cử nào nảy sinh tình hình phức tạp", ông Phúc nói và khẳng định "qua kiểm tra và thông tin báo cáo từ các địa phương, đến thời điểm này chưa nhận được phản ánh nào về tình trạng cử tri đi bầu hộ, bầu thay".

Tổng thư ký Quốc hội cho biết thêm, nhiều địa phương có cách làm hay, như in bản sơ yếu lý lịch của người ứng cử gửi đến từng hộ gia đình để nghiên cứu trước, khi đi bỏ phiếu rất nhanh vì không mất thời gian tìm hiểu lựa chọn; hay có địa phương in sơ đồ khu vực bỏ phiếu để tạo thuận lợi cho cử tri. 

11h50

Đến hơn 11h, có gần 50% cử tri TP HCM hoàn thành việc bỏ phiếu bầu. Ảnh:Hữu Công

Theo số liệu từ Ủy ban bầu cử TP HCM, tỷ lệ cử tri đi bầu ở 24 quận huyện đạt gần 50%. Trong đó, xã Thới Mỹ (huyện Củ Chi) và phương An Lợi Đông (quận 2) đã hoàn thành việc bỏ phiếu bầu cử với 100% cử tri.

Trong khi đó, quận 1 hiện chỉ đạt hơn 28%. Lý do, theo lãnh đạo UBND quận 1, cử tri xếp hàng dài chờ nhau, một số người vào phòng gạch phiếu mất từ 30 phút đến một giờ nghiên cứu nên việc bỏ phiếu mất nhiều thời gian.

11h30 

Theo Hội đồng bầu cử quốc gia, đến 10h nhiều địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu cao. Cụ thể Nghệ An có trên 50% cử tri bỏ phiếu. Nhiều khu vực bỏ phiếu đã có 100% cử tri đi bầu (Kon Tum có 44 khu vực, Nghệ An 22, Quảng Nam 48). Các điểm bỏ phiếu của lực lượng vũ trang tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100%.

Người cao tuổi nhất trực tiếp đi bầu cử là cụ Nguyễn Thị Nhâm ở xã Thụy Phú (Phú Xuyên, Hà Nội) - 107 tuổi.

Các điểm bỏ phiếu của lực lượng vũ trang tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100%. Ảnh: Tiến Hùng

Báo cáo của các địa phương cho thấy, tình hình thời tiết tại điểm bầu cử thuận lợi, thông tin liên lạc thông suốt, không gián đoạn. Một số địa bàn có mưa nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong ngày bầu cử ở các địa phương được bảo đảm, chưa có vấn đề bất thường xảy ra. 

11h15 

Tại Hà Nội, trời đã tạnh ráo sau cơn mưa nhẹ. Người dân đổ đến các điểm bầu cử đông hơn. Xe cổ động cùng với loa phường liên tục kêu gọi cử tri đi bầu cử, thực hiện nghĩa vụ công dân.

Tại Ủy ban bầu cử Hà Nội, các thành viên liên tục cập nhật thông tin từ các đơn vị bầu cử. Một màn hình điện tử luôn cập nhật tình hình an ninh trật tự, ý thức tham gia của cử tri và những diễn biến bất thường nếu có. Đến nay, công tác bầu cử ở Hà Nội diễn ra an toàn.

Phố Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) sáng nay vắng vẻ, xe cổ động liên tục kêu gọi người dân đi bầu cử. Ảnh: Giang Huy. 

10h30 

Tại nội thành thành phố Hải Phòng, các điểm bầu cử vẫn thưa thớt dù loa phường liên tục kêu gọi cử tri đi bầu. Các chợ vẫn đông đúc, bà con cho biết tranh thủ sáng nay thời tiết mát mẻ, không nắng gắt như hôm qua, mọi người tập trung mua sắm, buôn bán. "Đến chiều, khách hàng vắng thì tôi đi bầu cũng còn kịp, 19h mới đóng hòm phiếu mà", một tiểu thương cho biết.

Khoa cấp cứu Bệnh viện Việt Tiệp đang có 20 bệnh nhân nằm điều trị, các bác sĩ tất bật với công việc chăm sóc nên cũng chưa thực hiện quyền công dân. Bệnh viện này có 20 bệnh nhân đăng ký bỏ phiếu ở điểm phường Cát Dài, quận Lê Chân và đang chờ tổ bầu cử mang hòm phiếu di động đến, bởi không thể di chuyển.

Sinh viên Đại học Hàng hải đi bầu cử. Ảnh: Giang Chinh.

Đại học Hàng hải có hơn 1.000 cử tri là sinh viên, phần lớn đang ở trong ký túc xá. Để công tác bầu cử thành công, nhà trường bố trí điểm bỏ phiếu tại hội trường lớn, đồng thời bố trí cán bộ, giảng viên hướng dẫn sinh viên làm thủ tục đúng trình tự pháp luật. Chỉ trong buổi sáng, hầu hết sinh viên đã thực hiện xong nghĩa vụ.

Trước đó ngày 21/5, hơn 1.000 cử tri hyện đảo Bạch Long Vỹ đã đi bỏ phiếu sớm. Cử tri thành phố Hải Phòng sẽ bỏ phiếu để bầu 9 đại biểu Quốc hội từ 15 ứng cử viên.

9h50

Cùng nhiều cử tri phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) đi bầu cử, ông Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, chia sẻ với quy trình bầu cử hiện nay, một cử tri không chú tâm theo dõi thông tin về đại biểu thì sẽ không đủ thông tin để lựa chọn người xứng đáng. "Tôi nghĩ rằng sau này cải tiến thì phải giúp cử tri hiểu rõ về đại biểu", ông nói.

Nói về lý do lựa chọn người này mà không phải người kia, ông Tuấn chia sẻ, do là nhà báo và thường hoạt động xã hội nên biết thông tin về nhiều người trong lá phiếu. Ngoài ra, ông suy tính kỹ hơn về lĩnh vực nào trong xã hội cần sự kiểm soát của người dân cử, thấy toát lên niềm tin về người đó thì chọn. "Tôi bỏ phiếu cho những người vì tôi biết thông tin về họ chứ không phải tin vào những gì họ sẽ làm. Tôi không chú trọng đến độ tuổi hay thời gian công tác", ông Tuấn nói.

Ông Trần Đăng Tuấn bỏ phiếu tại nơi cư trú phường Trung Hòa. Ảnh: Đoàn Loan.

Đề cập về ý định tiếp tục tự ứng cử đại biểu Quốc hội kỳ sau, ông Tuấn cho biết, mặc dù còn nhiều tâm huyết đóng góp, song việc đó phụ thuộc vào sức khỏe, tín nhiệm của cử tri đối với cá nhân. "Tôi chưa bao giờ đặt kế hoạch trở thành đại biểu Quốc hội mà phụ thuộc nhu cầu công việc và khi có mong muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội thì tôi sẽ ứng cử", ông Tuấn chia sẻ.

Ông Trần Đăng Tuấn là một trong số 46 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội ở Hà Nội bị loại sau hội nghị hiệp thương lần 3 dù trước đó tại hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác đều đạt tín nhiệm 100%. Giải thích lý do một số người ứng cử bị loại khi biểu quyết, đại diện Ủy ban bầu cử Hà Nội cho rằng những người được đưa ra biểu quyết đều đủ tiêu chuẩn theo quy định, nhưng còn phụ thuộc vào cơ cấu nên phải “so bó đũa chọn cột cờ”. 

9h30

50 người đại diện cho 727 cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An đã hoàn thành việc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp có hiệu lực từ tháng 9/2015, đây là lần đầu tiên những người bị tạm giam được thực hiện quyền bầu cử.

Đại tá Trần Sỹ Phàng, Giám thị trại tạm giam giải thích, chỉ 50 người tạm giữ, tạm giam tham dự khai mạc, bỏ phiếu là do tính chất đặc biệt của trại tạm giam và công tác đảm bảo an ninh. Số cử tri còn lại ở 30 nhà giam, cán bộ tổ bầu cử sẽ lần lượt mang 3 hòm phiếu di động đi tới từng phòng để cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Dự kiến trưa nay, việc bỏ phiếu tại trại tạm giam trên địa bàn sẽ hoàn thành.

Các cử tri tại trại tạm giam ở Nghệ An tham gia bỏ phiếu. Ảnh: Nguyễn Hải.

Cùng với cả nước, hôm nay hơn 2,1 triệu cử tri trên toàn tỉnh Nghệ An tham gia bỏ phiếu tại hơn 3.700 điểm. Có hơn 60 nghìn người làm nhiệm vụ bảo vệ công tác bầu cử trên toàn địa bàn. Trước đó ngày 20/5, hơn 28.000 cử tri ở 34 xã của 4 huyện miền núi Nghệ An là Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong và Kỳ Sơn đã hoàn thành việc bầu cử sớm. 

9h00

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam gặp gỡ các cử tri dân tộc thiểu số trước khi bỏ phiếu. Ảnh: Tiến Hùng.

Quảng Nam trời nắng đẹp. Hàng trăm người dân đã có mặt tại điểm bầu cử thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) từ sáng sớm. 10 năm trước, 35 ngư dân của thôn bị thiệt mạng trong cơn bão Chanchu.

“3 ngày nữa là đám giỗ chung cho các đồng nghiệp đã bỏ mạng trong chuyến đi biển 10 năm trước. Lần này chúng tôi về đất liền nhiều ngày vừa bầu cử cũng là vừa thắp cho đồng nghiệp nén hương”, anh Hoàng Thành (35 tuổi), nói. Anh Thành cũng như các ngư dân làng biển mong muốn những người được bầu sẽ làm việc trách nhiệm hơn để tránh những thảm họa như Chanchu, để ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ngư dân thôn Bình Tịnh (Bình Minh) nghỉ đi biển để tham gia bầu cử. Ảnh: Tiến Hùng.

Toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 1,2 triệu cử tri đi bầu để lựa chọn 8 đại biểu Quốc hội từ 14 ứng viên, 60 đại biểu HĐND cấp tỉnh. Trước đó ngày 19/5, 49 khu vực bỏ phiếu với gần 12.000 cử tri ở Quảng Nam đã bỏ phiếu sớm. Những khu vực này gồm các xã biên giới của huyện Tây Giang, Nam Giang và xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm).

8h45

Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam có mặt tại điểm bầu cử 97 trên đường Bạch Mã, phường 15, quận 10 (TP HCM), tham gia chào cờ cùng ban tổ chức từ trước 7h. Cùng thời điểm, hàng trăm người dân xếp hàng chờ được bỏ phiếu.

Sau đó khi nghe thể lệ bầu cử, giám sát quá trình niêm phong thùng phiếu, ông Nguyễn Thiện Nhân vào phòng kín chọn ghi phiếu bầu đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. "Tôi bỏ phiếu theo nguyên tắc chọn người tài đức", ông Nhân nói.

Em Nguyễn Ngọc Thanh Đoan (18 tuổi) vẻ hân hoan, đến khá sớm khi lần đầu tiên đi bầu cử. Đoan đọc kỹ thông tin những người ứng cử được niêm yết trên bảng. "Em sẽ chọn những người trẻ vì họ sẽ năng động hơn, họ sẽ sáng tạo những đề xuất mới tốt cho đất nước", Đoan cho hay.

Ông Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Hải Hiếu

8h40

Đi bỏ phiếu tại điểm bầu cử phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, chia sẻ: "Lâu nay, khi theo dõi các kỳ họp Quốc hội, HĐND, chúng ta đều mong muốn các cơ quan lập pháp này hoạt động hiệu quả hơn, chất lượng hơn, các đại biểu gần gũi với cuộc sống và phản ánh những tâm tư, suy nghĩ của người dân. Vậy ai sẽ quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp? Chính là chúng ta - mỗi cử tri". 

Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải kêu gọi người dân nghiên cứu kỹ tiểu sử ứng viên.Ảnh:Võ Hải.

Theo Bí thư Hải, khi cầm lá phiếu, nếu mỗi người đều thực sự trách nhiệm, dành thời gian nghiên cứu kỹ tiểu sử, quá trình công tác, tham khảo về chương trình hành động của ứng cử viên thì chắc chắn sẽ bầu đúng những người xứng đáng đại diện cho mình vào các cơ quan dân cử.

"Thông tin bây giờ rất công khai, dễ tiếp cận, đơn giản như chỉ vài cú click chuột là mọi người đều có thể biết được về năng lực, quá trình công tác, trưởng thành của những người mình thực sự quan tâm, không khó khăn gì cả. Nếu chúng ta thờ ơ, bầu qua loa đại khái cho xong chuyện thì những hoạt động của các cơ quan dân cử cũng sẽ khó đảm bảo chất lượng như kỳ vọng của chúng ta. Vì vậy tôi mong rằng mỗi cử tri đi bầu sẽ phát huy trách nhiệm và trí tuệ của mình trong từng lá phiếu. Để sau này, khi chứng kiến hoạt động của các cơ quan lập pháp chúng ta có quyền tự hào về quyết định của mình hôm nay", ông Hải nói.

8h20

icon

Trở về sau chuyến đi biển, hôm nay người dân làng biển Hải Tiến, thị trấn Thuận An (Thừa Thiên - Huế) tất bật hơn ngày thường. Họ nhanh chân đến các điểm bầu cử của thôn để bỏ phiếu bầu chọn người đại diện cho mình tham gia vào cơ quan nhà nước. “Tiêu chí của người dân chúng tôi là chọn những người có đủ tài, đủ đức để lãnh đạo nhân dân”, ông Huỳnh Thu (65 tuổi, ở thôn Hải Tiến) cho hay. 

Ngư dân Huỳnh Thu đến bàn nhờ cán bộ viết giúp phiếu bầu trước khi bỏ vào thùng phiếu. Ảnh:Đắc Đức

Tại điểm bầu cử này, nhiều ngư dân được cán bộ chiến sĩ cùng lãnh đạo địa phương hướng dẫn cách ghi, gạch bỏ và chọn phiếu bầu sao cho hợp lệ, tránh trường hợp sai sót. “Tôi không đọc rõ mặt chữ nên phải đến bàn nhờ cán bộ ghi hộ phiếu bầu”, ông Hồ Văn Cựu (80 tuổi, trú thị trấn Thuận An) chia sẻ và cho hay trước khi quyết định chọn đại biểu đã nghe rất kỹ về tiểu sử cũng như trình độ chuyên môn họ.

Ông Cái Vĩnh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh có 1.008 khu vực bỏ phiếu với trên 870.000 cử tri, bầu ra 7 đại biểu Quốc hội trong số 13 ứng cử viên; 53 đại biểu HĐND trong tổng số 88 ứng viên. 

8h00

Tại đơn vị bầu cử số 10 nhà văn hóa khu 8, phường Hà Phong (TP Hạ Long, Quảng Ninh), lần đầu tiên dân làng chài Hà Phong được bỏ phiếu trên bờ.

Người dân làng chài bỏ phiếu tại nhà văn hóa khu 8, phường Hà Phong (TP Hạ Long, Quảng Ninh). Ảnh:Minh Cương.

“Từ bé chúng tôi sống dưới biển chưa biết cuộc sống trên đất liền là gì. Đến tháng 5/2014 chúng tôi được nhà nước xây nhà cửa tại khu tái định cư làng chài Hà Phong và hỗ trợ 100% để về đây ở. Năm nay được bỏ phiếu trên bờ, dân làng chài chúng tôi vui lắm”, cử tri Dương Văn Vân (78 tuổi) nói và cho hay một số người còn đang đánh bắt trên biển và ở các bãi chăn nuôi hay nhà bè, sẽ có người mang thùng phiếu ra tận nơi để mọi người thực hiện quyền công dân.

Theo Ủy ban bầu cử, gần 900.000 cử tri Quảng Ninh sẽ đi bầu để lựa chọn 7 đại biểu Quốc hội, 75 đại biểu HĐND tỉnh, 466 đại biểu HĐND cấp huyện và hơn 4.600 đại biểu HĐND cấp xã.

7h30

icon

Từ 6h, tại bản Rào Tre (xã biên giới Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh), đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) đã đưa xe tới chở 84 cử tri dân tộc Chứt đi bỏ phiếu tại tổ bầu cử số 1 xã Hương Liên. 

Dân tộc Chứt được xem là tộc người nguyên sơ nhất Việt Nam, được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện vào năm 1991 ở vùng biên giới Việt - Lào, sau đó đưa về xây nhà, sinh sống tại bản Rào Tre (xã Hương Liên). Hiện tộc người có 38 hộ gia đình với 138 nhân khẩu.

Trung tá Dương Thanh Tịnh, Trạm trưởng Biên phòng Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng) giới thiệu tới bà con danh sáchứng viên. Ảnh:Đức Hùng

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có khoảng 900.000 cử tri đi bỏ phiếu tại 1.651 đơn vị bầu cử. Theo danh sách niêm yết, Hà Tĩnh có 13 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14, cử tri sẽ bầu lựa chọn ra 7 người; có 92 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa 17, sẽ bầu ra 55 người. 

7h20

icon

 

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP HCM bỏ phiếu ở khu vực số 51 UBND phường 7, quận 3.

7h15

icon

Là một trong những cử tri có mặt sớm nhất tại điểm bầu cử phường Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cùng các lão thành cách mạng sinh sống trên địa bàn tham gia lễ khai mạc, chuẩn bị bỏ phiếu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là một trong số cử tri có mặt sớm nhất tại điểm bỏ phiếu phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, nơi bà cư trú. Ảnh:Giang Huy.

7h10

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bỏ phiếu tạiKhu vực số 7, trường mầm non Hoa Quỳnh, 34 Nguyễn Phi Khanh, phường Tân Định, quận 1, TP HCM. Ảnh:Phước Tuấn

7h00

icon

Chủ tịch nước và phu nhân đã tới điểm bầu cử số 8 ở phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội). Sau khi dự lễ chào cờ, Chủ tịch nước phát biểu cuộc bầu cử này là một sự kiện chính trị trọng đại trong đời sống chính trị của toàn dân tộc, diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn, nhưng cũng còn nhiều thách thức.

“Cuộc bầu cử tiếp tục củng cố hoàn thiện nhà nước pháp quyền, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế”, Chủ tịch nước nhấn mạnh và đề nghị cử tri cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm, lựa chọn những người đủ đức đủ tài để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp. 

“Tôi cũng mong cử tri đi bầu cử đầy đủ, các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Chung xem lại danh sách ứng viên. Ảnh:Bá Đô.

Tại điểm bỏ phiếu số 3 ở bể bơi Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội), Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, có mặt từ sớm để dự lễ chào cờ. Sau khi xem xét danh sách ứng cử viên được dán trên tường, ông bắt đầu bỏ phiếu.

6h55

icon

Từ sáng sớm công tác chuẩn bị cho việc bầu cử đã nhộn nhịp khắp các góc phố tại địa điểm bầu cử số 82 thuộc 23 Trần Khắc Trân, phường 15, quận Phú Nhuận (TP HCM). Ban tổ chức cùng lực lượng an ninh đã có mặt từ 5h sáng để chuẩn bị. 

Trong không khí tưng bừng, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng ban tuyên giáo Trung ương có mặt từ sớm cùng đông đảo người dân trong khu vực để tham gia buổi bầu cử.

Chia sẻ trước buổi bầu cử, ông Thưởng cho biết rất tin tưởng vào cử tri, bằng lá phiếu của mình sẽ sáng suốt lựa chọn những người có đức, tài, đủ điều kiện tốt nhất tham gia đại biểu Quốc hội. Ông cũng là người đầu tiên cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân của mình tại điểm bầu cử này.

Cụ Dương Văn Khoa (83 tuổi, nguyên là công an quận Phú Nhuận) nói rằng cả đêm qua nôn nao không ngủ được, nên dậy từ rất sớm. Thay bộ quần áo chỉnh tề xong ông đến điểm bầu cử lúc 5h20. "Đến đây thấy không khí rộn ràng mới thấy đúng là ngày hội. Nhìn thế hệ đi sau chuẩn bị mà tôi thấy mừng. Tôi đã nhận được thông tin của các ứng viên từ nhiều ngày trước, ai cũng xứng đáng được bầu cả. Song, quan trọng nhất là phải chọn người biết lắng nghe dân", ông nói.

6h50

Phó thủ tướng Trương Hoà Bình. Ảnh:Quốc Thắng

Sau cơn mưa nhẹ vào rạng sáng, điểm bầu cử tại trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường 11, quận Tân Bình, TP HCM) trời khá mát mẻ. Gần 7h, ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng - đi xe riêng đến. Sau khi chào hỏi các lãnh đạo, ông Bình là cử tri đầu tiên tại đây làm thủ tục vào bầu cử. Tay cầm thẻ cử tri, ông tươi cười nhận phiếu vào phòng cách ly thực hiện nghĩa vụ cử tri của mình.

"Tôi thực hiện quyền công dân như mọi người với tiêu chí chọn người có tài, có tâm để nói lên nỗi lòng người dân. Người được tôi bầu phải là người hết lòng vì nhân dân", Phó thủ tướng chia sẻ về quan điểm bầu cử của mình.

6h50

Từ 6h, tại điểm bầu cử số 52 (125 Trương Định, phường 7, quận 3,TP HCM), nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Lê Thanh Hải đến rất sớm. Hai nguyên ủy viên Bộ Chính trị nghe phổ biến quy trình bỏ phiếu sau đó cùng hàng trăm người dân khu vực tham gia bỏ phiếu bầu Quốc hội, HĐND các cấp.

6h50

icon

TP HCM trời mát sau cơn mưa kéo dài từ chiều qua đến rạng nay. Ở tổ bỏ phiếu 51, quận 3, TP HCM, đã có khá đông người dân từ lúc 6h. Khoảng 6h30, trong chiếc áo sơ mi trắng, cười khá tươi, ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành uỷ TP HCM đến thực hiện nghĩa vụ cử tri của mình.

Ông Đinh La Thăng bầu cử tại quận 3, TP HCM. Ảnh:Hữu Công

Ở tổ bỏ phiếu 41 (phường 6, quận 3, TP HCM) nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cũng có mặt từ rất sớm.

Em Lê Thanh Nhàn (lớp 12 trường THPT Marie Curie) cho biết đây là lần đầu đi bầu cử, thực hiện quyền công dân của mình. "Em thấy vui và hồ hộp. Trước khi đi em đã nghiên cứu kỹ tiểu sử, quá trình công tác của các ứng viên. Em hy vọng lá phiếu của mình cùng cử tri cả nước sẽ chọn ra được đại biểu Quốc hội, HĐND xứng đáng. Cá nhân em mong muốn họ có nhiều đề xuất, cơ chế tốt cho thanh niên", Nhàn nói.

Ông Dũng và phu nhân.

6h50

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến điểm bàu cử số 7, quận 1, từ hơn 6h. Ảnh: Phước Tuấn

6h45

Bí thư Nguyễn Xuân Anh chào hỏi cử tri.Ảnh:Nguyễn Đông.

Tại Đà Nẵng trời nắng nhẹ. Trên đường Trường Chinh (quận Thanh Khê), bộ đội xếp thành hàng đến điểm bỏ phiếu. Trên tuyến Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu), các đoàn viên đạp xe có gắn những khẩu hiệu tuyên truyền đi quanh phía đường Hùng Vương để tuyên truyền, nhắc người dân đi bầu cử.

Tại điểm bỏ phiếu trường THCS Trưng Vương, nhiều người dân đã đến sớm, tranh thủ xem lại danh sách các đại biểu. Đợt này, Đà Nẵng có hơn 600.000 cử tri đi bầu cử.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đa Nẵng, đã tới điểm bỏ phiếu trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu), vui vẻ chào hỏi những cử tri có mặt từ trước. Lễ chào cờ được cử hành ngay sau đó. Việc kiểm tra và niêm phong hòm phiếu được tiến hành.

Ông Xuân Anh thực hiện nghĩa vụ công dân. Ảnh:Nguyễn Đông.

6h40

Bà Nguyễn Thị Hường - cử tri phường Tân Định, quận 1. Ảnh: Phước Tuấn.

Bà Nguyễn Thị Hường (ngụ quận 1, TP HCM) dậy từ rất sớm để đến tổ bầu cử số 7 bỏ phiếu. "Tôi đã tìm hiểu rất kỹ các ứng cử viên đại biểu các cấp. Tiêu chí của tôi là chọn người có tâm huyết với dân, giúp dân đi lên", bà nói.

06h30

Điểm bỏ phiếu số 3 Thái hà (quậnĐống Đa), các thành viên tổ bầu cử chuẩn bịlàm lễ chào cờ. Ảnh:Bá Đô.

Hà Nội trời mát mẻ. Trên đường phố, nhiều đoàn xe cổ động của thanh niên tình nguyện, đội múa lân các phường xã chuẩn bị diễu qua các tuyến phố để kêu gọi người dân đi bầu cử. Khắp các tuyến phố loa truyền thanh phát liên tục các bài hát cách mạng xen lẫn tiếng phát thanh viên phổ biến quy định bầu cử. Tại các điểm bỏ phiếu là trụ sở phường xã, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các thành viên tổ bầu cử đã sẵn sàng đón tiếp cử tri.  

Theo quy định, thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7h và kết thúc lúc 19h cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h và kết thúc muộn hơn nhưng không quá 21h cùng ngày.

Khi đến phòng bỏ phiếu, cử tri xuất trình Thẻ cử tri để được nhận phiếu bầu. Màu sắc phiếu bầu cử do UBND cấp tỉnh lựa chọn nhưng màu phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trên cùng địa bàn không được trùng nhau. 

Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên tổ bầu cử. Khi viết phiếu bầu, nếu cử tri không tín nhiệm người nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó; không khoanh tròn, gạch chéo, gạch dưới, gạch trên hàng họ và tên người ứng cử. Cử tri không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không được bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu.

Cử tri cũng không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu. Nếu cử tri gạch hỏng, có quyền đổi phiếu bầu khác. 

Danh sách cử tri được niêm yết tại các điểm bầu cử từ trước đó 40 ngày. Ảnh:Ngọc Thành.

Theo Hội đồng bầu cử quốc gia, cả nước có hơn 69 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; 294.055 đại biểu HĐND cấp xã.

Kết quả bầu cử đại biểu HĐND các cấp sẽ được công bố vào ngày 1/6 và ngày 11/6 với đại biểu Quốc hội. 

Tin cùng chuyên mục