Ảnh Internet |
Theo đó, BIDV triển khai gói tín dụng 1.500 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, nuôi trồng, tiêu thụ thủy, hải sản. Gói tín dụng dành cho doanh nghiệp là 500 tỷ đồng; cá nhân, hộ gia đình là 1.000 tỷ đồng. Về lãi suất: ngắn hạn là 6%/năm; trung dài hạn là 8%/năm. Thời hạn triển khai là 6 tháng kể từ ngày 4/5/2016.
Ngoài ra, đối với khách hàng đã vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, BIDV miễn toàn bộ lãi trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 8/4/2016 đối với các khoản vay của bà con ngư dân là chủ tàu đã hoàn thành việc đóng tàu, đưa vào khai thác, sử dụng nhưng không bán được cá đã khai thác. Đối với những khoản vay đến kỳ hạn trả nợ (gốc, lãi), cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ của khoản vay theo hướng điều chỉnh kỳ hạn trả nợ (gốc, lãi) xuống từ 2 đến 3 kỳ (giữ nguyên nhóm nợ).
Đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp (các khách hàng nuôi trồng có thủy, hải sản bị chết), BIDV miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong vòng 3 tháng từ 8/4/2016; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng (giữ nguyên nhóm nợ).
Đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp còn lại (các khách hàng khai thác, nuôi trồng mà quá trình tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng; các khách hàng chế biến, kinh doanh thương mại thủy hải sản), BIDV miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong vòng 1 tháng kể từ ngày 8/4/2016; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
Đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp khác (du lịch, nhà hàng, khách sạn và các hoạt động đầu tư liên quan …), BIDV giảm 50% lãi tiền vay trong 1 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng kể từ ngày 8/4/2016; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng (giữ nguyên nhóm nợ). Trường hợp ngưng trệ sản xuất kéo dài, BIDV sẽ xem xét bổ sung các chính sách hỗ trợ tiếp theo.
Trước đó, nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn với bà con ngư dân, ngay khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt, BIDV đã chủ động làm việc, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ kịp thời đối với bà con ngư dân vay vốn trên địa bàn.
Qua các cuộc trao đổi, bà con ngư dân cho biết, bên cạnh việc gây thiệt hại lớn đến kinh tế, tình trạng cá chết hàng loạt trong thời gian vừa qua đã gây tâm lý hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy sản, và hoạt động du lịch của các tỉnh. Do đó, bà con mong muốn, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành liên quan sớm có kết luận nguyên nhân làm cá chết hàng loạt và công bố rộng rãi để cho bà con ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển, các cơ sở thu mua thuận lợi trong quá trình kinh doanh.
Sau khi trực tiếp khảo sát, lắng nghe và tổng hợp ý kiến của bà con ngư dân, BIDV đã có công văn đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT làm đầu mối thực hiện việc sớm có đánh giá, tổng hợp trình Chính phủ phương án hỗ trợ ngư dân ở khu vực bị thiệt hại do cá chết bất thường được áp dụng cơ chế hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (hỗ trợ chi phí tiền dầu, bảo hiểm…) để giải quyết khó khăn trước mắt. Đồng thời, đề xuất có biện pháp thu mua đối với lượng thủy sản mà ngư dân đã khai thác được, mức giá đảm bảo cho ngư dân trước mắt bù đắp được các chi phí liên quan trong quá trình khai thác thủy sản; hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật đối với ngư dân ảnh hưởng trực tiếp, đảm bảo cuộc sống.
BIDV cũng đề xuất Chính phủ đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp hỗ trợ đối với người dân bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết hàng loạt và cập nhật các thông tin chính thức đối với các vùng biển, nguồn hải sản không bị ảnh hưởng để giảm thiểu thiệt hại do đồn đoán gây nên.