Bình Định ra ‘tối hậu thư’ cho 2 DN đóng tàu vỏ thép

Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu 2 doanh nghiệp (DN) đóng tàu khẩn trương phối hợp với Sở NN&PTNT và ngư dân thống kê cụ thể thiết bị hư hỏng, cùng lập biên bản sửa chữa ngay trong tháng 7 này, bảo đảm thay máy mới 100% nguyên đai, nguyên kiện.
Tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bị gỉ sét. Ảnh: Vietnamnet
Tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bị gỉ sét. Ảnh: Vietnamnet

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng

UBND tỉnh Bình Định vừa có cuộc họp công bố chính thức kết quả thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã có nhiều sai sót nghiêm trọng được phát hiện.

Trong số 17 tàu cá vỏ thép đã kiểm tra có 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc, 12 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Hàn Quốc. Nhiều mẫu thép trên 8 tàu cá không đạt các chỉ tiêu hóa học theo tiêu chuẩn loại thép thường cấp A.

Tổ thẩm tra ghi nhận 12 tàu có phần vỏ tàu bị gỉ sét tự nhiên và 5 tàu phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm.

Trong số 17 tàu cá được thẩm định, có 3 tàu lắp máy tàu thủy hiệu Doosan và 5 tàu lắp máy thủy Mitsubishi (Nhật Bản) có kết cấu đồng bộ, là máy mới.

Tuy nhiên, 9 tàu còn lại do Công ty Nam Triệu đóng có máy chính trên decal ghi nhãn hiệu Mitsubishi, nhưng bên trong có nhiều chi tiết đi kèm với động cơ không đồng bộ, có dấu hiệu cải hoán, không phù hợp với nguyên tắc hoạt động máy thủy của hãng Mitsubishi và hoạt động không ổn định. Hãng Mitsubishi cũng đã có văn bản xác nhận không sản xuất động cơ máy thủy có model và công suất như ghi trên decal máy các tàu vỏ thép này.

Ngoài ra, kết quả thẩm định cũng ghi nhận có 2 máy dò ngang bị hỏng không sử dụng được, 1 máy dò ngang đã bị thay đổi màn hình chính bằng một màn hình vi tính hiệu Dell thông thường. Hệ thống đèn cao áp trên một số tàu có tăng phô bị xóa các dấu hiệu nguồn gốc xuất xứ trên các tụ kích, nhiều tụ có xuất xứ từ Trung Quốc và bóng đèn cao áp không đúng như hợp đồng đã ký kết.

Trong 17 tàu chỉ có 3 tàu có hầm bảo quản hoạt động bình thường, 14 tàu còn lại có hầm bảo quản đọng nước gây mùi hôi thối, giữ nhiệt kém, bơm không đều, có hiện tượng gỉ sét...

Khởi kiện, truy tố trách nhiệm DN

Từ kết quả thẩm định chất lượng, Tổ công tác thẩm định chất lượng tàu vỏ thép đã có những kiến nghị: Đề nghị Công ty Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy chính không đồng bộ; thay mới máy chính Doosan cho tàu của ông Trần Đình Sơn; khắc phục và sửa chữa các máy phụ bị hư hỏng.

Đề nghị Công ty Nam Triệu, Công ty Đại Nguyên Dương: Đối với các tàu bị gỉ sét phải làm sạch bề mặt và sơn lại một phần hoặc toàn bộ tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép. Nếu các tàu kiểm tra các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A thì kiểm tra và đánh giá lại toàn tàu, thay thế lại các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A. Các vỏ tàu đã thay thế thép Trung Quốc nhưng bảo đảm thép cấp A, nếu giữa chủ tàu và cơ sở đồng ý thì cơ sở đóng tàu phải trả lại chênh lệch giá thép Hàn Quốc hoặc Nhật Bản so với thép Trung Quốc cho chủ tàu (nếu có).

Đối với phần trang thiết bị hàng hải, khai thác, tổ công tác đề nghị Công ty Nam Triệu, Công ty Đại Nguyên Dương sửa chữa hoặc làm mới hệ thống hầm bảo quản bị hư hỏng; thay mới hệ thống điện khai thác cho 3 tàu theo đúng hợp đồng ký kết.

Đối với máy dò ngang Sonar có giá trị cao từ 1,4 tỷ đồng trở lên và là một thiết bị quan trọng trong việc dò tìm cá, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác, nên các đơn vị lắp đặt và bảo hành cần phải sửa chữa kịp thời các thiết bị trên. Kiểm tra, thay mới và sửa chữa cho hai chủ tàu có hệ thống đầu dò bị hỏng và thay mới màn hình đồng bộ cho máy Sonar MAQ đã bị đổi màn hình vi tính thông thường...

Trước báo cáo kết quả thẩm định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã có chỉ đạo yêu cầu 2 DN đóng tàu phải khẩn trương phối hợp với Sở NN&PTNT và ngư dân thống kê cụ thể thiết bị hư hỏng, cùng lập biên bản sửa chữa ngay trong tháng 7 này.

Công ty Nam Triệu đã có chuẩn bị thiết bị, máy móc, ngày 27/6 khắc phục ngay, bảo đảm thay máy mới 100% nguyên đai, nguyên kiện. Đối với phần thân, vỏ tàu không đúng chuẩn cũng phải thay và sơn đúng quy trình.

Sở NN&PTNT phải thành lập tổ kỹ thuật phối hợp UBND huyện, thành phố kiểm tra chất lượng, chủng loại máy, thiết bị trước khi đưa lên tàu; phối hợp UBND các huyện, thành phố ven biển đề xuất tỉnh hỗ trợ cho ngư dân khắc phục khó khăn.

Các DN phải chịu trách nhiệm về kinh phí kiểm tra việc khắc phục sự cố tàu bị hư hỏng và những tổn thất của ngư dân khi tàu cá phải nằm bờ để sửa chữa; hoàn trả tiền thiết kế mẫu tàu cho ngư dân.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Định có phương án đề xuất UBND tỉnh, trình Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét hỗ trợ khoanh, giãn nợ, xem xét thời gian ân hạn cho ngư dân, vì đây không phải là lỗi của ngư dân. Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Bình Định trả lại sổ đỏ cho ngư dân vì Nghị định 67/CP không quy định ngư dân phải thế chấp sổ đỏ để vay vốn đóng tàu.

Ông Trần Châu cũng đề nghị Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản kiểm định lại lần 2 trước khi tàu cá xuất xưởng.

Riêng đối với Công ty Đại Nguyên Dương đã không tích cực trong sửa chữa sự cố tàu cá, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh nắm bắt thông tin về DN này, báo cáo Bộ Công an, đồng thời phối hợp ngành chức năng hỗ trợ ngư dân khởi kiện, truy tố trách nhiệm DN trên.

Tin cùng chuyên mục