Bình Thuận xin chuyển đổi đất rừng tự nhiên làm dự án điện gió

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng đang đề xuất đầu tư xây dựng dự án nhà máy điện gió với quy mô công suất 100MW, tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Để có quỹ đất thực hiện Dự án, UBND tỉnh Bình Thuận vừa có Tờ trình gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin chuyển đổi 28,52ha rừng tự nhiên sang mục đích khác, để thực hiện Dự án.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng thuộc Tổng công ty CP Thương mại xây dựng Vietracimex vừa có văn bản ngày 22/7/2020 gửi UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất cho phép xây dựng Dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 tại xã Hòa Thắng và thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bỉnh Thuận. Nhà máy có công suất 100MW với mục tiêu sản xuất điện từ nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo hòa vào lưới điện quốc gia. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 4.736 tỷ đồng.

Báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bình Thuận cho biết, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh); Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phương án đấu nối Dự án vào hệ thống điện quốc gia.

Với yêu cầu tiến độ thực hiện Dự án là đưa vào vận hành giai đoạn 2020 - 2022, nhà đầu tư đã thực hiện một số thủ tục đầu tư xây dựng Dự án theo quy định như: hoàn thành công tác khảo sát địa chất và địa hình Dự án, phục vụ lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công. Nhà đầu tư đã ký Hợp đồng cung cấp, lắp đặt và vận hành thiết bị với nhà cung cấp tua bin gió SIEMENS Gamesa (Đức - Tây Ban Nha); ký hợp đồng với nhà thầu thi công xây dựng trạm biến áp, đường dây, móng trụ tua bin và các hạng mục phụ trợ của Dự án. Nhà đầu tư đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, thẩm định, phê duyệt…

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng rừng do đơn vị tư vấn lập tháng 5/2019, trong tổng diện tích 45,41ha đăng ký thực hiện Dự án thì có 28,52ha hiện trạng rừng tự nhiên. Trong đó, có 23,61ha rừng phòng hộ; 4,91ha rừng sản xuất. Trữ lượng rừng tự nhiên theo đánh giá hiện trạng của cơ quan chuyên môn là có trữ lượng bình quân M/ha là 3,4m3. Khu vực này là rừng đặc hữu ven biển thuộc khu Lê Hồng Phong có độ cao tán rừng thấp, đường kính nhỏ nằm xen kẽ với dây leo và bụi rậm; tổ thành chủ yếu là các loại cây gụ biển, cam đường, đại kích, xương rồng bà, sống rắn, dẻ gai, lộc vừng, mướp sát…

Diện tích rừng tự nhiên này sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ. Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, khi thông qua chủ trương đầu tư Dự án là bắt buộc phải thực hiện trên diện tích có rừng tự nhiên, do không thể bố trí trên diện tích khác. Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, thẩm định hồ sơ, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 28,52ha rừng tự nhiên này để thực hiện Dự án.

Tỉnh Bình Thuận cho biết thêm, năng lượng gió là nguồn năng lượng tái tạo và bền vững, góp phần bảo vệ môi trường. Theo báo cáo của nhà đầu tư, Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng đang xem xét lựa chọn hệ thống tua bin gió SG 4.5-145, công suất 4MW của SIEMENS Gamesa, là một trong những nhà sản xuất, cung cấp thiết bị hàng đầu ngành tua bin gió trên bờ và ngoài khơi. Tua bin này có công suất danh định, tuổi thọ khoảng 25 năm. Do đó, khi đầu tư Dự án, hoàn thành đưa vào vận hành phát điện dự kiến sẽ mang lại hiệu quả tổng hợp về kinh tế xã hội, môi trường, đem lại lợi ích cho doang nghiệp và tăng thu nộp ngân sách địa phương, góp phần mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng.

Tin cùng chuyên mục