Tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng, dầu, nhất là xăng, dầu giả tại các địa phương đang có xu hướng ngày càng phức tạp |
Theo thống kê của Bộ Công Thương, toàn thị trường xăng, dầu hiện có hơn 40 thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng, dầu; 300 thương nhân phân phối và 16.000 cửa hàng bán lẻ.
Tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng, dầu, nhất là xăng, dầu giả tại các địa phương đang có xu hướng ngày càng phức tạp, tinh vi. Mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng tình trạng trên đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính được cho là xuất phát từ "lỗ hổng" của chính sách.
TRUNG BÌNH MỖI NGÀY CÓ 1,5 VỤ VI PHẠM
Xăng, dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nghiêm ngặt nhưng cũng là lĩnh vực mang lại lợi nhuận rất lớn cho những người tham gia thị trường. Theo chuyên gia trong ngành công thương, có nhiều hình thức thu lợi nhuận đằng sau việc doanh nghiệp được cấp phép tham gia kinh doanh xăng, dầu. Việc lợi dụng giấy phép kinh doanh, cho doanh nghiệp, đại lý chưa đủ điều kiện thuê kho, bồn chứa; ký hợp đồng mua bán xăng, dầu số lượng lớn để vay vốn ngân hàng rồi tận dụng thời gian trả chậm để quay vòng vốn... là những chiêu khá phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Còn với những doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đi theo con đường làm xăng giả, buôn lậu thì lợi nhuận hàng năm lên tới nghìn tỷ là bình thường.
Theo số liệu từ Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2020 lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 4.550 vụ việc liên quan đến mặt hàng xăng, dầu, xử lý 1.291 vụ với tổng số tiền xử phạt gần 14 tỷ đồng. Tịch thu, tạm giữ gần 79.000 lít xăng, dầu các loại với trị giá hàng hóa trên 1,5 tỷ đồng. So với các mặt hàng khác, gian lận thương mại trong xăng, dầu rất lớn, trung bình mỗi ngày có 1,5 vụ vi phạm.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, hoạt động kinh doanh xăng, dầu chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật cũng như nhiều cơ quan thẩm quyền. Trong đó, có Luật Đầu tư, Luật Chất lượng sản phẩm, Luật giá, Luật Hải quan, Luật Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu... Nhiều cơ quan có chức năng quản lý mặt hàng xăng, dầu như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Công an, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển.
Theo phân công trách nhiệm, Bộ Khoa học và Công nghệ được phân công, chịu trách nhiều về chất lượng, số lượng, pha chế. Ngoài ra, các địa phương có trách nhiệm giám sát hoạt động kinh doanh xăng, dầu của các thương nhân kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn và giám sát chất lượng xăng, dầu trên địa bàn của mình. Bộ Công Thương theo Nghị định 83/CP có 3 trách nhiệm chính. Thứ nhất, chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính làm giá, giám sát việc thực hiện, điều hành giá đối với các thương nhân kinh doanh xăng, dầu. Thứ hai, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất và người tiêu dùng. Thứ ba, phát triển hệ thống phân phối, làm thế nào để phục vụ tốt hơn cho sản xuất và tiêu dùng.
Theo chức năng và nhiệm vụ của Bộ Công Thương, trong thời gian qua, việc kinh doanh xăng, dầu theo Nghị định 83/CP của các thương nhân kinh doanh xăng, dầu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành công thương về cơ bản thực thi tốt, đáp ứng tốt những yêu cầu của nghị định. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, giám sát, vẫn có một số thương nhân kinh doanh xăng, dầu có dấu hiệu, biểu hiện, vi phạm theo Nghị định 83, như việc duy trì điều kiện để khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh xăng, dầu; hay những quy định cụ thể liên quan đến vấn đề pháp luật khác; hoặc những quy định thuộc chức năng quản lý của bộ, ngành khác trong Nghị định 83 về vấn đề chất lượng, pha chế...
Không chỉ vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà tình trạng buôn lậu mặt hàng xăng, dầu cũng diễn biến khá phức tạp. Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, buôn lậu xăng, dầu cũng là vấn đề rất nóng. Đặc biệt là trên tuyến biển, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng buôn lậu xăng, dầu trên tuyến này vẫn diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên là khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và tại vùng biển Tây Nam. Dự báo năm 2021, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép mặt hàng này vẫn còn phức tạp.
BÍT LỔ HỔNG CHÍNH SÁCH
Trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã nhiều lần trình Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu. Có lúc cơ chế được sửa thật thông thoáng cho người kinh doanh nhưng lại chưa có những quy định bổ sung để bịt lỗ hổng nhằm ngăn chặn gian lận, bảo vệ người tiêu dùng. Vậy nên, xăng giả, xăng lậu vẫn được tiêu thụ dễ dàng và trở thành ngành kinh doanh "siêu lợi nhuận", thậm chí có mạng lưới phân phối rộng khắp, khiến ai cũng có thể trở thành những nạn nhân của xăng giả.
Theo quy định của Nghị định số 83/CP về kinh doanh xăng, dầu, các tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng phân phối xăng, dầu cho một doanh nghiệp xăng, dầu đầu mối; đại lý bán lẻ xăng dầu cũng chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân phân phối... Quy định này nhằm kiểm soát chặt chất lượng xăng, dầu lưu thông trên thị trường, gắn với trách nhiệm của nhà cung cấp. Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia, Nghị định 83/CP lại cho một đối tượng là "thương nhân phân phối" được mua xăng, dầu từ nhiều thương nhân xăng, dầu đầu mối, điều này đã làm tăng nguy cơ xảy ra vi phạm tập trung ở những đối tượng này, bởi thực tế, nhiều thương nhân phân phối thậm chí không có hệ thống mà toàn đi thuê mướn lại.
Đáng nói hơn cả là trong các vụ xăng giả, xăng kém chất lượng, người tiêu dùng vẫn chưa được bảo vệ quyền lợi. Điều đó cho thấy, quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu chưa đủ sức để bảo vệ người tiêu dùng. Để loại được hàng giả, hàng lậu ra khỏi thị trường xăng, dầu, Bộ Công Thương cần hoàn thiện các quy định, siết chặt khâu kiểm soát, phân phối về kinh doanh xăng, dầu, nhất là giải pháp phối hợp ngăn chặn triệt để nạn buôn lậu xăng dầu trên biển, xuyên biên giới và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Về vấn đề này, ông Trần Duy Đông cũng thừa nhận, trong quản lý hệ thống phân phối kinh doanh xăng, dầu, hiện đang có bất cập nên mới xảy ra tình trạng tuồn xăng lậu, xăng kém chất lượng vào hệ thống đại lý bán lẻ. Liên quan đến hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ sở pháp lý trong thời gian tới, ông Đông cho biết, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/CP của Chính phủ về kinh doanh xăng, dầu, Ban soạn thảo văn bản gồm nhiều thành viên các bộ, ngành, đã bàn thảo rất kỹ, nhiều lần. Về cơ bản, sau 5 lần chỉnh sửa, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. "Hy vọng đây là bước cuối cùng để Nghị định 83/CP sửa đổi về kinh doanh xăng dầu này được thông qua. Nghị định sửa đổi sẽ xử lý được những vướng mắc trong kinh doanh xăng, dầu, trong đó có vấn đề liên quan đến quy định phát triển hệ thống phân phối minh bạch, rõ ràng hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào chất lượng, thực chất".
Trước tình hình buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng xăng, dầu diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng pha trộn, tiêu thụ xăng, dầu giả, kém chất lượng tiếp tục xảy ra trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm, thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan công an, quản lý thị trường đã thực hiện một số hoạt động liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, như thường xuyên có đoàn kiểm tra giám sát, quan tâm đến hậu kiểm. Mới đây, Bộ cũng đã hoàn tất việc kiểm tra hoạt động đối với 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Những đơn vị bị kiểm tra đều là những doanh nghiệp có "dấu hiệu", "hiện tượng" vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng, dầu như không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng, dầu theo Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng, dầu, buôn lậu, mua bán hóa đơn.
Qua kết quả kiểm tra, dự kiến có khoảng 4-5 doanh nghiệp sẽ bị rút giấy phép, trong đó có cả những doanh nghiệp đã được cấp phép rất lâu và chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân. Việc kiểm tra được thực hiện trong bối cảnh một số đường dây kinh doanh, sản xuất xăng giả bị triệt phá ở nhiều tỉnh, thành. Gần đây nhất, Công an tỉnh Đồng Nai đã công bố kết quả triệt phá vụ án buôn lậu, pha chế gần 2,7 triệu lít xăng giả, mua bán trái phép hóa đơn... với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.