Quý I/2017, Cục Thuế TP.HCM đã hoàn thành 15 hồ sơ thanh tra với tổng số thuế truy thu, truy hoàn và phạt gần 25,3 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi |
Thói quen khai lỗ
Trong quý I/2017, TP.HCM đã thu hút hơn 574,7 triệu USD vốn FDI, tăng gần 57% so với cùng kỳ 2016. Theo Ban Quản lý các khu chế xuất (KCX) - khu công nghiệp (KCN) TP.HCM (HEPZA), trên địa bàn Thành phố hiện có 17 KCX, KCN đang hoạt động với hơn 535 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,41 tỷ USD.
Tuy nhiên, tình trạng không ít DN FDI tại TP.HCM báo cáo kinh doanh lỗ trong nhiều năm, thậm chí lỗ vượt vốn điều lệ tương đối lớn. Chỉ tính trong 3 năm gần đây, tỷ lệ DN FDI khai lỗ chiếm khoảng 31,4%, trong đó, DN có số lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ chiếm khoảng 15,8%. Dù vậy, đáng ngạc nhiên là các DN này vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Tình trạng báo cáo kinh doanh thua lỗ của các DN FDI, như lưu ý của cơ quan thuế, thường tập trung trong lĩnh vực gia công may mặc, da giày, công nghiệp chế biến… Thật khó tin, nếu dựa trên báo cáo, tại TP.HCM, có đến 90% DN FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc có kết quả kinh doanh thua lỗ, trong khi hầu hết các DN trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Phải chăng đó là những dấu hiệu để nhận biết những DN FDI có hành vi chuyển giá?
Theo Cục Thuế TP.HCM, trong năm 2017, Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng được giao chỉ tiêu 101 hồ sơ thanh tra và bổ sung kiểm tra 49 hồ sơ với số thuế truy thu và phạt là 140 tỷ đồng. Kết quả trong quý I/2017, đã hoàn thành 15 hồ sơ thanh tra với tổng số thuế truy thu, truy hoàn và phạt gần 25,3 tỷ đồng, trong đó truy thu hơn 15,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thới Ánh, Trưởng Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng (Cục Thuế TP.HCM) cho biết: Trên thực tế, nhiều DN FDI khai lỗ hàng trăm tỷ đồng nhưng qua thanh tra đã phải chấp nhận nộp số thuế lên đến hàng chục tỷ đồng, và đã nộp ngay mà không khiếu nại.
Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính của việc khó xử lý rốt ráo nạn chuyển giá tại các DN FDI hiện nay là do khuôn khổ pháp lý chống chuyển giá chưa hoàn thiện, Luật Chống chuyển giá vẫn chưa hình thành, ngành thuế chưa có chức năng điều tra DN. Mặt khác, các cơ quan bộ, ngành chưa có phương pháp phối hợp, điều tra và xử lý hiệu quả nên đã vô tình tạo ra lỗ hổng về pháp lý, từ đó các DN FDI chuyển giá ngày càng tinh vi, rất khó phát hiện và không dễ xử lý.
Cần bịt các kẽ hở
Trong khi đó, hoạt động chuyển giá, khai lỗ được xem như thói quen của nhiều DN FDI. Theo kết quả khảo sát gần đây của Công ty Kiểm toán quốc tế KPMG, hơn 50% DN đã chuẩn bị xây dựng các bước trên dự thảo báo cáo chống sụt giảm thu nhập chịu thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS).
Điều đáng nói, yếu tố cơ sở dữ liệu, liên thông dữ liệu, thông tin về DN FDI trong các cơ quan chức năng của Việt Nam chưa được hệ thống, chưa phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá. Các cơ sở pháp lý còn chưa đầy đủ để cơ quan đăng kí đầu tư quản lý giá chuyển nhượng (GCN) qua các giao dịch liên kết nhằm chống chuyển giá trong DN FDI.
Để ngăn ngừa tình trạng chuyển giá, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM khuyến nghị cần tiến tới ban hành Luật Chống chuyển giá, thu hẹp và hạn chế tối đa ưu đãi về thuế giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương. Đồng thời, cần hoàn thiện thông tin, dữ liệu và liên thông dữ liệu về cá nhân, DN FDI nộp thuế để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chống chuyển giá giữa các cơ quan chức năng.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2017. Nghị định này được kỳ vọng sẽ chống chuyển giá trong các DN FDI hiệu quả hơn trong thời gian tới.