Bỏ bộ chủ quản: Việc không thể chần chừ

Dù chưa hết lấn cấn, nhưng “nước đã đến chân”, nên các bộ, ngành sẽ không thể bàn lùi được nữa trong việc chọn mô hình cho cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
5,4 triệu tỷ đồng là tổng tài sản của nhà nước đang nằm tại những doanh nghiệp mà vốn sở hữu nhà nước chiếm trên 50%
5,4 triệu tỷ đồng là tổng tài sản của nhà nước đang nằm tại những doanh nghiệp mà vốn sở hữu nhà nước chiếm trên 50%

Động thái mới nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn tất dự thảo nghị định quy định mô hình này trình Chính phủ trong tháng 7 tới, để chính thức chấm dứt 20 năm bàn thảo.

Chấm dứt là đúng bởi biết đâu, sau Xơ sợi Đình Vũ, Phân đạm Ninh Bình, Gang Thép Thái Nguyên…, sẽ có thêm đơn xin cứu trợ từ các doanh nghiệp nhà nước cho các khoản đầu tư thua lỗ mà không thấy tên người chịu trách nhiệm. Hơn thế, nếu không có ngay mô hình quản lý, giám sát chuyên nghiệp, độc lập, hiệu quả theo đúng nguyên tắc của kinh tế thị trường; nếu  tiếp tục để các bộ, ngành phân thân trong vai quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, thì nỗi lo ẩn chứa những Vinashin, Vinalines... trong 5,4 triệu tỷ đồng tổng tài sản của nhà nước tại những doanh nghiệp mà vốn sở hữu nhà nước chiếm trên 50%, là hiện hữu.      

Cũng phải nói rõ, bối cảnh hiện tại rất khác giai đoạn 20 năm vừa qua. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã định hướng rất rõ việc này. Đó là tách bạch chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước với chức năng quản lý nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND các tỉnh đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Như vậy, các bộ, ngành sẽ không thể chần trừ cho dù sự “giảm sút” quyền lực với các doanh nghiệp nhà nước chắc chắn là có. Nhưng lúc này, lợi ích của nền kinh tế phải được đặt lên trên hết.

Tất nhiên, cũng rất có lý khi xuất hiện những ý kiến hoài nghi, phân vân về mô hình mới.

Thứ nhất, việc tạo lập một cơ quan tập trung quyền lực mới, dồn quá nhiều nguồn lực về một đầu mối có thể phát sinh những rủi ro. Điều dễ nhận thấy trước hết là chưa biết siêu cơ quan này sẽ cần bao nhiều người, bao nhiêu đầu mối… để đảm đương trách nhiệm quản lý khối tài sản đang được tính bằng đơn vị triệu tỷ đồng này.

Thứ hai, số lượng doanh nghiệp nhà nước đang giảm đi theo lộ trình cổ phần hóa. Nghĩa là cơ quan mới sẽ khổng lồ thời gian đầu, rồi teo tóp dần? Hơn nữa, cổ phần hóa đang vào đà, nên việc đưa ra mô hình quản lý mới liệu có phải là “kỳ đà cản mũi” khi phải tiến hành không ít thủ tục chuyển đổi…

Thứ ba, tìm đâu ra người đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn, khi các bộ, ngành đang làm chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước có đủ cả song vẫn không quản lý nổi… Rồi mối lo ngại bình mới, rượu cũ…

Nếu phân tích kỹ, hơn 20 năm trước, những phân vân này đã được đặt ra và cũng đã có lý giải trên cơ sở khoa học. Chìa khóa để giải là cơ chế giám sát chặt chẽ và cách thức sử dụng nguồn nhân lực, tài chính của tổ chức mới. Hiệu quả của mô hình mới là không bắt công chức hành chính thực hiện nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp. Cơ chế lương, thưởng, cũng như quan niệm về biên chế nhà nước sẽ khác với cơ quan quản lý nhà nước.

Đặc biệt, sau khi trả quyền quản lý doanh nghiệp cho tổ chức đại diện chủ sở hữu mới, quyền lực quản lý nhà nước của các bộ, ngành sẽ được hoàn trả một cách nguyên vẹn. Tư duy chính sách của các bộ, ngành sẽ không còn bị chi phối bởi vai trò quản lý doanh nghiệp. Môi trường đầu tư - kinh doanh, vì thế sẽ đạt được nguyên tắc về cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp…

Điều quan trọng nhất là ngay lập tức, sẽ có tên người chịu trách nhiệm về mọi vấn đề của doanh nghiệp nhà nước, kể cả thành công hay thất bại. Doanh nghiệp nhà nước sẽ về đúng vị trí với những kỷ luật quen thuộc trong nền kinh tế thị trường.

Tuy vậy, hiện còn rất nhiều vấn đề phải thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả. Đó là chức năng, quyền hạn của tổ chức này trong hệ thống quản lý nhà nước ra sao? Cách thức thực hiện nhiệm vụ của cơ quan này thế nào? Cần cơ chế gì để khuyến khích đội ngũ nhân sự đóng vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước trong doanh nghiệp?...

Tin cùng chuyên mục