Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Đề nghị này được Bộ Công Thương nêu tại văn bản gửi các địa phương về bình ổn thị trường gạo, thóc trong bối cảnh giá lương thực trong nước tăng nhanh sau tuyên bố ngừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Nga và UAE.
Theo đó, cơ quan này yêu cầu các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương đôn đốc các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có phương án về nguồn hàng thóc, gạo để kiểm soát mức tăng giá lương thực trong nước. Việc này cũng nhằm đảm bảo cung ứng gạo cho thị trường từ nay tới cuối năm 2023, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
"Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo duy trì lượng thóc, gạo dự trữ bình ổn để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết. Việc thu mua giao hàng theo tiến độ cần được doanh nghiệp thực hiện hợp lý, cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước", Bộ Công Thương nêu.
Bộ này cũng lưu ý, các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá thóc, gạo trong nước tăng bất hợp lý.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 4/8, giá lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long điều chỉnh tăng 100 - 200 đồng/kg với nhiều chủng loại lúa. Như vậy, hiện giá lúa tại khu vực đã tăng 100 - 300 đồng/kg so với tuần trước, tăng 400 - 700 đồng/kg so với tháng trước và tăng 400 - 1.600 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 5 USD/tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 598 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 578 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn. Riêng gạo thơm Jasmine lên mức 733 USD/tấn, tăng 45 USD/tấn so với ngày 1/8 và tăng 110 USD/tấn so với ngày 20/7.