Tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông được đề nghị bãi bỏ. Ảnh: TG st |
Do đó, đa số ý kiến UBTP đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép thảo luận, cho ý kiến về Dự án BLHS tại 2 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội thảo luận, cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thì thông qua).
Rút kinh nghiệm sâu sắc
Trình bày trước Phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 3/10, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UBTP cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của BLHS năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian. Theo đó, việc tổ chức xin ý kiến nhân dân, chỉnh lý, tiếp thu Dự án BLHS năm 2015 chỉ được thực hiện trong thời gian 6 tháng (từ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vào tháng 5/2015 đến Kỳ họp thứ 10, tháng 11/2015) với số lượng 426 điều luật, sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS năm 1999 và phải định lượng chi tiết 282 điều luật trước đây mới chỉ quy định định tính. Trong khi đó, BLHS năm 1999 được Quốc hội cho ý kiến và thông qua nhiều lần trong thời gian dài sau 7 năm chuẩn bị (bắt đầu việc soạn thảo từ năm 1993, phần “Những quy định chung” được thông qua năm 1997 và năm 1999 thông qua toàn Bộ luật). Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sai sót của BLHS năm 2015 và phải tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều như hiện nay.
Bên cạnh đó, báo cáo của UBTP cũng cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 điều của BLHS năm 2015. Việc phải sửa đổi, bổ sung số lượng lớn điều luật như vậy là do một số trường hợp mặc dù chỉ sửa sai sót 1 lỗi kỹ thuật nhưng phải sửa đổi nhiều điều luật liên quan để bảo đảm thống nhất.
Ngoài ra, khi quyết định bổ sung Dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, để đảm bảo thận trọng thì Quốc hội cũng đã không ấn định cứng thời gian thông qua Dự án Luật tại một hay hai kỳ họp, mà tùy theo tiến độ và chất lượng chuẩn bị Dự án Luật.
Vẫn còn ý kiến khác nhau
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc phần “Những quy định chung” và 123 điều thuộc phần “Các tội phạm”, trong đó có 43 điều sửa đổi về kỹ thuật, 97 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 1 điều. Trong đó, tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS năm 2015) được Chính phủ đề nghị bãi bỏ.
Liên quan đến nội dung này, Báo cáo thẩm tra của UBTP cho biết, đa số ý kiến UBTP tán thành với Dự thảo Luật về việc bỏ Điều 292 của BLHS năm 2015. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ quan điểm, khi Điều 292 được kiến nghị bãi bỏ thì cộng đồng DN khởi nghiệp rất hoan nghênh, như vậy, Luật cũng đáp ứng được những vấn đề của cuộc sống.
Tuy nhiên, có ý kiến của UBTP đề nghị giữ lại và đưa vào các chương tương ứng quy định hành vi cấm kinh doanh vàng tài khoản; kinh doanh đa cấp bất chính… trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục, cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu quan điểm, đề nghị không nên bỏ Điều 292 mà nên thu hẹp, chỉ xử lý những hành vi kinh doanh vàng, đa cấp bất chính…
Đối với vấn đề kinh doanh bán hàng đa cấp, bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội chia sẻ thông tin, hiện vấn đề bán hàng đa cấp đang được các cử tri phản ứng dữ dội, kiến nghị kéo dài, trên phạm vi rất rộng. Trong khi đó, công tác quản lý loại hình kinh doanh này rất khó, việc đánh giá lợi nhuận cũng như tác động tích cực của loại hình kinh doanh này trong việc thu thuế cũng không phải dễ. Do đó, bà Hải “tha thiết đề nghị” Ban soạn thảo giữ nguyên nội dung về kinh doanh trên mạng liên quan đến bán hàng đa cấp tại Điều 292 BLHS năm 2015.
Phát biểu kết thúc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm, đối với Điều 292 BLHS năm 2005, chúng ta cứ giữ 2 luồng ý kiến này, trình xin các đại biểu Quốc hội và lấy ý kiến rộng rãi thêm nữa trước khi quyết định việc bỏ cái gì, không bỏ cái gì.