Bộ Giao thông vận tải và Tài chính rà soát lộ trình tăng mức phí BOT

Liên quan đến thực trạng phí qua các trạm BOT đang ở mức cao, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, trong tuần tới, liên Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính sẽ ngồi lại để rà soát lộ trình tăng phí và thời gian thu phí đồng thời hứa với doanh nghiệp vận tải sẽ vào cuộc tích cực để giảm bớt áp lực tăng phí.
Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính sẽ ngồi lại để rà soát lộ trình tăng phí và thời gian thu phí trạm BOT. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính sẽ ngồi lại để rà soát lộ trình tăng phí và thời gian thu phí trạm BOT. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nhập lại các trạm phí, giãn thời gian thu

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông” vào chiều tối 20/5, theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, BOT là hình thức nhiều nước thực hiện, Nhà nước bỏ một nguồn tiền ít, thông qua xã hội hóa thu phí hoàn vốn. Dần dần sẽ chuyển sang hình thức PPP, Nhà nước tham gia hỗ trợ vốn. 

Chia sẻ với doanh nghiệp khi chạy qua trạm thu phí, trong quá trình thực hiện dự án, Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính đã cân nhắc khoảng cách các trạm là 70km và mức tăng phí đảm bảo theo lộ trình… nhưng thực hiện chưa triệt để. 

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã cho rà soát lại tất cả các trạm BOT trên cả nước, điều chuyển về vị trí mới. Trong 71 trạm đang và sắp đưa vào hoạt động, 60 trạm cơ bản đáp ứng, 11 trạm còn lại xem xét nhập lại để giảm bớt khoảng cách. Trong vòng bán kính 50km không quá 3 trạm với các dự án BOT khác nhau, nếu có sẽ ghép trạm để doanh nghiệp không phải đi qua quá nhiều trạm. 

“Bộ Giao thông Vận tải sẽ rà soát lại các trạm BOT cũ và mới để rà soát lại mức tăng phí. Một số trạm đến hạn hợp đồng 3 năm tăng phí nhưng chưa cho tăng, các trạm mới xem xét thời gian hoàn vốn kéo dài nhất thời gian để giảm mức phí. Xem xét giảm tiếp phí cho container 20- 40fit để giữ các tuyến đường khỏi xe quá tải. Trong tuần tới, Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính sẽ ngồi lại để rà soát lộ trình tăng phí và thời gian thu phí, hứa với doanh nghiệp sẽ vào cuộc tích cực để giảm bớt áp lực tăng phí,” Thứ trưởng Trường khẳng định. 

Đề cập đến cơ sơ xây dựng mức phí BOT, theo Thứ trưởng Trường, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát và xin ý kiến nhiều Bộ ngành, địa phương. Trong phương án tài chính của các dự án BOT được hình thành trên 2 nguồn vốn là chủ sở hữu của nhà đầu tư là 15-20%, còn lại là vốn vay ngân hàng. Toàn bộ phương án đó nếu tính toán cân đối, các dự án hoàn vốn được thấp nhất 15 năm, cao nhất 25 năm. Mức phí đưa ra dựa trên cân đối thu nhập người dân và khu vực. 

Trước đây, các dự án thu phí hoàn vốn đồng loạt khoảng 10.000 đồng/xe tiêu chuẩn. Hiện nay, mức giá tối thiểu là 20.000-25.000 đồng/xe tiêu chuẩn, trên cơ sở đó đã làm việc với Bộ Tài chính, cộng thêm lãi suất ngân hàng… việc tính toán đến yếu tố doanh nghiệp, người dân để đưa ra giá để tính có cơ sở khoa học. 

Bộ Tài chính cũng đưa ra mức giá trần từ 20.000-52.000 đồng/xe tiêu chuẩn, căn cứ vào thị trường để đưa ra lộ trình tăng phí hợp lý. Vừa qua, có hiện tượng các trạm đồng loạt tăng phí, vì 3 năm xem xét tăng phí một lần. Doanh nghiệp có những phản ứng nên vừa qua Bộ Giao thông Vận tải có văn bản cho nhà đầu tư xem xét giảm phí cho xe tải, xe container 40fit. Hầu hết nhà đầu tư đã giảm phí, còn xe con du lịch vẫn giữ mức phí. 

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trường cũng tiết lộ, đầu tháng Sáu tới đây sẽ tổng kết 5 năm thực hiện BOT, báo cáo Chính phủ những điều chỉnh quy hoạch đầu tư các dự án, mức phí… rà soát xem xét nhập lại các trạm thu phí, giãn thời gian thu phí để mức thu thấp xuống nhưng vấn đảm bảo nguồn thu cho trạm, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và đơn vị vận tải, giảm mức thu cho phương tiện vận tải lớn, tăng sức chuyên chở. 

Phí vận tải phải “gánh” quá nhiều

Khẳng định người dân và doanh nghiệp rất hài lòng khi có những còn đường cao tốc làm bằng BOT. Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội cho rằng, hiệu quả thực tế với kinh doanh vận tải là phí chồng phí, vừa đóng phí trên đầu phương tiện lại đóng phí BOT. Trạm phí bủa vây khắp tuyến nên phí vận tải phải “gánh” quá nhiều.

Theo ông Liên, đầu tư BOT nói chung và các công trình giao thông Cơ quan Nhà nước nên công khai minh bạch cho người dân ngay từ đầu. Nhà nước cần kiểm soát suất đầu tư. Hiện nay, suất đầu tư nhà đầu tư xây dựng nên nên sự kiểm soát thiếu chặt chẽ, nếu có vốn ngân sách thì sẽ có kiểm soát chặt hơn.

Mức phí qua các trạm BOT đang ở mức cao, vượt quá sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Tôi rất băn khoăn trong nhiều hợp đồng BOT, có hợp đồng ghi bảo mật. Tại sao hợp đồng do Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính ký không có dấu mật mà bên trong hợp đồng lại có điều khoản bảo mật là không được cung cấp thông tin kinh tế kỹ thuật cho bên ngoài, dẫn tới ngay trong nội bộ cổ đông nhà đầu tư cũng nghi ngờ lẫn nhau. Gần như 80 điều khoản trong hợp đồng đều bảo vệ rủi ro nhà đầu tư như thu phí ít thì được lùi thêm thời gian thu phí… mà không có điều khoản nào bảo vệ người dân,” ông Liên đưa ra sự so sánh. 

Đặt câu hỏi đến việc Nhà nước có tính đến chuyện mua lại các trạm phí BOT, Thứ trưởng Trường thừa nhận thực tế ngân sách rất khó khăn, nếu mua sẽ đưa nợ công càng tăng cao hơn, do đó việc mua lại phải thêm thời gian nữa khi kinh tế tốt lên mới tính đến mua lại trạm thu phí. 

“Về mặt chủ trương, Bộ đã kiến nghị Chính phủ khi thu nhập bình quân đầu người tương đương khu vực, khoảng 10.000-15.000 USD/người thì đặt vấn đề Nhà nước mua lại trạm thu phí để việc đi lại của người dân thuận lợi hơn,” Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nói. 

Chia sẻ về các dự án giao thông sau khi đưa vào khai thác đã giảm bớt các hư hỏng, Thứ trưởng Trường khẳng định từ nay về sau các dự án giao thông sẽ không hằn lún vệt bánh xe, các nhà đầu tư phải bảo hành từ 2-4 năm, bỏ tiền sửa chữa hư hỏng và không được tham gia đấu thầu các dự án tiếp theo./.