Oằn gánh phí BOT

Có thể nói, chủ trương huy động nguồn vốn BOT của ngành giao thông là tư duy đột phá để gỡ nút thắt về vốn. Tuy nhiên, việc các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc trên các tuyến quốc lộ, đặc biệt Quốc lộ 1A, thời gian qua đang tạo ra quá nhiều gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Ùn tắc tại một trạm thu phí ở Đồng Nai.
Ùn tắc tại một trạm thu phí ở Đồng Nai.

Trạm thu phí bủa vây

Sau khoảng thời gian 3 năm nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, hiện hàng loạt trạm thu phí BOT trên tuyến đường bộ huyết mạch quốc gia đã tiến hành thu phí hoàn vốn. Trong dịp trở về quê ăn Tết vừa rồi, anh Lê Minh Thông cho biết, nếu tính cả lượt đi và về cho lộ trình từ tỉnh Bà Rịa ra Huế anh phải bỏ ra hơn 400.000 đồng để đóng phí tại 5-6 trạm BOT, chưa kể có nhiều trạm BOT xây xong nhưng chưa thu phí. So với trước đây, anh Thông đánh giá Quốc lộ 1A đã thông thoáng hơn, nhưng kèm theo đó là gánh nặng chi phí vì các trạm thu phí bủa vây.

Nhiều tài xế chạy xe Bắc - Nam than phiền trạm thu phí BOT trên Quốc lộ 1A thời gian gần đây mọc lên như nấm, mức thu phí tăng gấp 2-3 lần so với các trạm cũ. Chẳng hạn, trạm BOT Bến Thủy (Nghệ An) vừa tăng mức thu lên 45.000 đồng/xe. Trạm BOT này đang thu phí hoàn vốn cho 4 dự án BOT gồm: đường tránh TP Vinh, đường tránh TP Hà Tĩnh, cầu qua Quốc lộ 46, cầu Nghi Xuân. CTCP Xây dựng công trình 545 mới đây cũng đã dừng thu phí tại 2 trạm Nam hầm Hải Vân và Hòa Phước trên Quốc lộ 1A để tổ chức thu phí ở trạm BOT mới tại xã Điện Thắng Bắc (Điện Bàn, Quảng Nam). Mức thu phí của trạm mới này tăng gấp 3 lần so với trạm Hòa Phước khiến nhiều tài xế dừng xe phản ứng dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông trên Quốc lộ 1A.

Chủ một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM phản ánh, chi phí xăng dầu thời gian qua được điều chỉnh giảm đáng kể, chưa kịp mừng thì hàng chục trạm BOT mọc lên và tăng phí tại các tuyến quốc lộ khiến doanh nghiệp lao đao, bởi hợp đồng vận tải đã ký kết với đối tác không thể thương thảo lại. Qua khảo sát, thống kê các trạm thu phí BOT trên quốc lộ, vị giám đốc này tính toán với 100 đầu xe container, chi phí tăng thêm mỗi tháng mà doanh nghiệp gánh chịu trên vài tỷ đồng. Anh Đỗ Minh Trí (TPHCM) cho rằng việc bố trí các trạm BOT không hợp lý, quá gần nhau không đúng quy định không những tăng thêm gánh nặng tài chính cho người dân mà còn là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Anh Trí kể vào ngày 14-2, khi cùng gia đình từ Đà Nẵng trở về TPHCM, tình trạng ùn tắc giao thông đoạn qua trạm thu phí Sông Phan (xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) diễn ra rất nghiêm trọng. Tại đây xe ô tô, chủ yếu là xe khách và xe du lịch nối đuôi nhau, nhích từng chút một kéo dài hàng km để chờ qua trạm thu phí. Trước tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, trạm thu phí Sông Phan đành chấp nhận "xả trạm", không thu phí.

Vẫn phải tăng phí theo lộ trình

Cuối tháng 12-2015, Bộ Giao thông-Vận tải (GT-VT) đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính lùi thời hạn tăng mức thu phí hoàn vốn của 23 dự án BOT (có lộ trình tăng phí từ ngày 1-1-2016) đến ngày 1-6-2016 do chỉ số trượt giá (CPI) thấp hơn nhiều so với dự kiến. Theo Bộ GT-VT, các nhà đầu tư những năm qua đã triển khai đầu tư nhiều dự án hạ tầng đường bộ theo hình thức BOT, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho sự đi lại của người dân, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Đến nay nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, cần phải thu phí hoàn vốn. Trong quá trình thương thảo hợp đồng dự án, Bộ GT-VT và các nhà đầu tư đã căn cứ vào dự kiến mức tăng trưởng chỉ số trượt giá (CPI) và mức phí trần quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 159/2013/TT-BTC để đưa ra lộ trình tăng mức phí cho từng giai đoạn (trong đó có lộ trình tăng phí từ 1-1-2016).

Nhưng đến thời điểm hiện nay, do sự điều hành chặt chẽ, sát sao, hiệu quả của Chính phủ nên chỉ số trượt giá (CPI) thấp hơn nhiều so với mức dự kiến. Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, nhất là phù hợp với mức giảm chỉ số trượt giá CPI thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký, Bộ GT-VT đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT (đã có lộ trình tăng phí từ 1-1-2016) tạm thời lùi thời hạn tăng phí đến 1-6-2016. Đồng thời căn cứ tình hình thực tế, chỉ số trượt giá để tính toán điều chỉnh mức phí cho phù hợp, thỏa thuận với UBND cấp tỉnh và Bộ GT-VT để đề nghị Bộ Tài chính xem xét quyết định điều chỉnh Thông tư thu phí sử dụng đường bộ, dự thảo phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, sau khi nhận được công văn của Bộ GT-VT, Bộ Tài chính đã không đồng ý. Theo Bộ Tài chính, trong 23 trạm BOT tăng mức thu phí trên quốc lộ có 5 trạm tăng từ 20.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt/xe (xe dưới 12 chỗ ngồi); 10 trạm tăng từ 30.000 đồng lên 35.000 đồng/lượt/xe; 5 trạm tăng từ 30.000 đồng lên 45.000 đồng/lượt/xe. Ngoài ra, một số trạm khác theo kế hoạch trước đó sẽ có mức tăng khoảng 2.000-20.000 đồng/lượt/xe.

Việc tăng phí là thực hiện theo lộ trình vì tất cả các phương án tài chính đã đàm phán với nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư bị ảnh hưởng sẽ kéo theo khó khăn trong vấn đề thu nợ của ngân hàng. Ngân sách khó khăn, nếu thời gian qua không đầu tư theo hình thức BOT thì không thể nào có những tuyến đường mới, chất lượng. Không mở rộng các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm sẽ gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GT-VT

Tin cùng chuyên mục