Nhìn lại các dự án BOT giao thông: Mật độ trạm thu phí quá dày

(BĐT) - Bên cạnh những hoài nghi về sự minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT do Bộ Giao thông vận tải triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015, dư luận đã và đang bức xúc về thực trạng mật độ trạm thu phí quá dày và đi trên đường do Nhà nước đầu tư vẫn bị thu phí.
Theo quy định, khoảng cách tối thiểu giữa các trạm đảm bảo 70 km (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Theo quy định, khoảng cách tối thiểu giữa các trạm đảm bảo 70 km (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Hàng chục trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách tối thiểu

Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 159/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ quy định:  “Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng một tuyến đường thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định (đối với đường quốc lộ), UBND cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định (đối với đường địa phương)”.

Một số chuyên gia trong ngành giao thông phân tích, sở dĩ có quy định khoảng cách tối thiểu giữa các trạm đảm bảo 70 km là để mật độ các trạm thu phí không quá dày đặc trên các tuyến đường. Khoảng cách này được cho là người dân có thể chịu được, chấp nhận được mức phí. Quy định này cũng có thể ngầm hiểu là nhà đầu tư BOT phải đầu tư xây dựng/cải tạo/nâng cấp một tuyến đường tối thiểu là 70 km thì mới được đặt trạm thu phí. Nhưng hiện nay tại hầu hết các dự án nâng cấp Quốc lộ 1A, nhà đầu tư chỉ đầu tư nâng cấp, mở rộng từ 30 - 50km đường. 

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của Bộ GTVT tại Công văn số 10023/BGTVT-TC ngày 31/7/2015, trên hệ thống quốc lộ cả nước có 86 trạm thu phí, gồm 42 trạm đang thu phí và 44 trạm chưa thu phí, đã ký hợp đồng dự án, trong đó có 53 trạm (chiếm 62%) có khoảng cách giữa các trạm thu phí trên cùng tuyến đường lớn hơn 70 km, có 9 trạm (chiếm 10%) có khoảng cách 60 - 70 km, còn lại 24 trạm còn lại (chiếm 28%) có khoảng cách nhỏ hơn 60 km.

Việc có tới hàng chục trạm thu phí BOT trên hệ thống quốc lộ có khoảng cách giữa các trạm nhỏ hơn khoảng cách tối thiểu theo quy định (70km) đã làm cho chi phí vận chuyển đường bộ tăng không chính đáng. Theo thống kê, chỉ tính riêng hành trình di chuyển từ TP.HCM ra Hà Hội bằng đường bộ sẽ phải qua 19 trạm thu phí.

Về nội dung này, Bộ Tài chính cũng khẳng định, dự án BOT đường bộ thu phí sử dụng đường bộ sẽ làm tăng chi phí vận tải, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) song thời gian qua chưa có báo cáo đánh giá tác động của các dự án BOT đường bộ đến chỉ số giá tiêu dùng và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại một hội nghị tổng kết ngành GTVT mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá: “Chi phí vận tải của Việt Nam còn rất cao”, ngành GTVT cần quan tâm giảm giá thành, giảm chi phí vận tải để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. “Hiện, một số hàng hóa trong nước muốn điều hòa ngay ở trong nước cũng khó khăn vì chi phí phí vận tải còn cao” – Thủ tướng phân tích thêm. 

Đi trên đường ngân sách vẫn phải trả phí đường BOT

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng giải thích về việc tách bạch giữa 2 khoản thu phí đường bộ, sự chênh lệch giá phí giữa các trạm thu phí của Nhà nước với các trạm thu phí của nhà đầu tư BOT rằng, phí bảo trì đường bộ tính trên đầu phương tiện là dùng vào việc bảo trì những công trình giao thông được đầu tư bằng ngân sách và phí BOT là để hoàn vốn cho các dự án BOT do tư nhân đầu tư, và muốn đi đường đẹp thì phải trả tiền và càng không có chuyện phí chồng phí.

Đành rằng, khi đi trên những con đường chất lượng cao mà không phải do ngân sách nhà nước đầu tư thì phải nộp phí cho các nhà đầu tư đã bỏ tiền ra xây dựng, nâng cấp các tuyến đường này, nhưng có những trạm thu phí BOT lại không đặt trên các tuyến đường BOT mà lại đặt trên một tuyến đường khác do Nhà nước đầu tư bằng nguồn ngân sách. Việc đặt trạm thu phí BOT trên những tuyến đường do Nhà nước đầu tư để thu hồi vốn cho một tuyến đường BOT khác của nhà đầu tư đã dẫn đến việc người dân không sử dụng dịch vụ chất lượng cao, không đi trên những con đường được đầu tư bằng nguồn vốn của nhà đầu tư BOT vẫn phải trả tiền cho cung đường này.

Chẳng hạn như Trạm thu phí Quán Hàu đặt trên Quốc lộ 1A đoạn qua xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nhưng lại thu phí hoàn vốn cho dự án BOT tuyến đường tránh TP. Đồng Hới.

Thực tế đã cho thấy trong tháng 1 này, nhiều người dân đã dừng xe bức xúc, bất bình phản đối việc tăng phí ở trạm thu phí này vì có những trường hợp người dân chỉ lưu thông trên (sử dụng) Quốc lộ 1A, chứ không sử dụng tuyến đường tránh TP. Đồng Hới được đầu tư theo hình thức BOT nhưng vẫn bị thu phí. Theo Đài Truyền hình Việt Nam, chỉ trong một tuần người dân khu vực xung quanh đã 2 lần tập trung phản đối Trạm thu phí Quán Hàu khi đã nhiều năm họ phải trả tiền cho việc lưu thông qua đây để đi đến cơ quan hoặc thăm người thân với giá cước 70.000 cho 2 lượt đi về và hơn 1 triệu đồng nếu mua theo tháng, mặc dù họ chỉ lưu thông trên tuyến quốc lộ 1 được đầu tư bằng vốn ngân sách mà không hề đi qua đường BOT.

Đây là một điều bất cập trong việc thu phí đường bộ, không phải tất cả nhưng riêng ở trạm thu phí này, thực tế “phí chồng phí”, bất hợp lý ở chỗ “không dùng vẫn phải trả phí dịch vụ” đã xảy ra nên cần sớm có biện pháp xử lý để tránh gây bức xúc cho người dân và dư luận.

Liên quan đến bất cập nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã có công văn số 13314/BTC-HCSN ngày 22/9/2014 gửi Bộ GTVT, trong đó đề cập đến những bất cập liên quan đến vị trí của các trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ như: một số trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án, khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa đảm bảo tối thiểu 70 km.

Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin về những bất cập trong các dự án BOT trong các số báo tiếp theo. 

Tin cùng chuyên mục