Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chậm giải ngân, chủ đầu tư có thể bị tước quyền

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giải ngân đầu tư công được đánh giá là đầu kéo tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê bình 9 chủ đầu tư
có tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 15%), chậm tiến độ so với cam kết. Ảnh: Lê
Tiên
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê bình 9 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 15%), chậm tiến độ so với cam kết. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vẫn còn nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân rất thấp. Để chấn chỉnh, Bộ này đã đưa ra các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với chủ đầu tư yếu kém.

Nhiều dự án giải ngân dưới 15%

Theo Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, kết quả giải ngân vốn kế hoạch năm 2020 các dự án của Bộ là 4.500 tỷ đồng, đạt 32,2% vốn kế hoạch năm đã giao cho các dự án. Trong số này, 11 dự án có kết quả giải ngân cao, vượt cam kết như: Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, hồ Sông Lũy do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 7 làm chủ đầu tư; Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 làm chủ đầu tư…

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT phê bình 9 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân rất thấp (dưới 15%), chậm tiến độ so với cam kết.

Cụ thể, đối với dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, có 2 chủ đầu tư bị phê bình là: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và NNPTNT tỉnh Đắk Lắk do chậm trễ trong thực hiện hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng hồ Krông Pách Thượng; Sở NN&PTNT Nghệ An chậm trễ trong thực hiện hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng hồ Bản Mồng.

Chia sẻ về việc chậm giải ngân vốn đầu tư công tại hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng hồ Krông Pách Thượng, một nguồn tin của Báo Đấu thầu cho biết, do nhiều nguyên nhân như: các thủ tục về xác định nguồn gốc đất, kiểm đếm, bổ sung đơn giá cây trồng, giải quyết khiếu kiện, khiếu nại… kéo dài.

Đối với dự án sử dụng vốn ngân sách tập trung, có 5 chủ đầu tư bị phê bình do có dự án chưa giải ngân hoặc có vốn lớn nhưng giải ngân dưới 15%. Đó là Dự án Tăng cường năng lực, trang thiết bị nghiên cứu công nghệ sinh học do Viện Nghiên cứu hải sản làm chủ đầu tư; Dự án Phát triển giống một số loài cây lâm sản ngoài gỗ do Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ làm chủ đầu tư; Dự án Nâng cấp cảng cá Gành Hào do Sở NN&PTNT Bạc Liêu làm chủ đầu tư; Dự án Trạm Kiểm ngư Phú Quốc do Cục Kiểm ngư làm chủ đầu tư; Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm nghiệm, kiểm chứng và tư vấn chất lượng nông lâm thủy sản do Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản làm chủ đầu tư.

Ngoài ra, 2 chủ đầu tư yếu kém khác cũng bị phê bình do giải ngân thấp (dưới 15%), không đạt cam kết giải ngân dự án vốn ODA là: Ban Quản lý các dự án nông nghiệp (CPO Nông nghiệp) và Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (CPO Lâm nghiệp).

Xử lý nghiêm nếu tiếp tục chậm trễ

Để xử lý tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công các dự án nêu trên, Bộ NN&PTNT phê bình cá nhân người đứng đầu và tập thể lãnh đạo đơn vị do triển khai dự án, hợp phần chậm, kết quả giải ngân thấp dù đã được tháo gỡ khó khăn.

Đối với 3 chủ đầu tư yếu kém thuộc UBND tỉnh (Nghệ An, Đắk Lắk, Bạc Liêu), Bộ NN&PTNT đề nghị tỉnh rà soát năng lực và việc thực thi nhiệm vụ của các đơn vị này. Đặc biệt, Bộ đề nghị xử lý nghiêm thủ trưởng và tập thể lãnh đạo đơn vị nếu tiếp tục chậm trễ trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hợp phần dự án được giao như kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, Bộ đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục phối hợp đôn đốc các đơn vị trong triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đảm bảo kế hoạch và tiến độ đề ra.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT giao Cục Quản lý xây dựng công trình và Vụ Kế hoạch tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và phân loại từng dự án, báo cáo Bộ trước ngày 20/10/2020. Những đơn vị không hoàn thành kế hoạch 6 tháng, 9 tháng và cả năm sẽ bị xem xét không giao chủ đầu tư trong trung hạn 2021 - 2025.