Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Khởi đầu của một kỷ nguyên mới, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Đây là giai đoạn bản lề của Việt Nam, đánh dấu sự khởi đầu của một làn sóng phát triển mới của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam. Đây là thời điểm Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy năng lực sáng tạo, đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực của phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại lễ khai mạc VIIE 2021 và khởi công NIC sáng ngày 9/1, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại lễ khai mạc VIIE 2021 và khởi công NIC sáng ngày 9/1, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh quan điểm này tại lễ khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (VIIE 2021) và khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) diễn ra sáng nay (9/1), tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).

Trong không khí hào hùng với sự tham gia đông đảo của các lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội cùng nhiều đại biểu, quỹ đầu tư, doanh nghiệp…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại, cách đây tròn 1 năm, ngày 9/1/2020, khi về làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ: "Trong giai đoạn phát triển tới, Bộ KH&ĐT phải là cơ quan tổng tham mưu giải quyết những đầu bài lớn về tăng trưởng cho đất nước, là cơ quan tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động, tham mưu hiệu quả các chính sách tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế".

Ngày 31/12/2020 vừa qua, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Ngành KH&ĐT, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "Bộ, cơ quan nào sẽ tiên phong tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong việc cụ thể hóa và thực hiện thành công định hướng này nếu không phải là Bộ KH&ĐT? Đó chắc chắn là Bộ KH&ĐT!".

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây chính là trọng trách lớn lao mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT; đồng thời cũng thể hiện sự tin tưởng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Bộ về năng lực tham mưu, nghiên cứu, đề xuất cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ những vấn đề chiến lược, có tính nhạy bén, then chốt, quyết định với tầm nhìn dài hạn để tận dụng thời cơ cho sự phát triển của đất nước.

Đáp lại niềm tin, kỳ vọng đó, trong những năm qua, Bộ KH&ĐT luôn tích cực, chủ động đi đầu trong nghiên cứu, đề xuất và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ cụ thể nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Với tư cách là cơ quan Thường trực của Tổ Biên tập Kinh tế xã hội, Bộ đã tham mưu, cụ thể hóa yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển con người là hai trụ cột quan trọng, tạo động lực bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ 4, giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 11, giai đoạn 2021 - 2025 để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

“Đổi mới sáng tạo phải đi sâu và lan tỏa trong nền kinh tế, trở thành hoạt động thường xuyên, chủ chốt, tạo ra giá trị mới, đem lại những thay đổi đột phá cho doanh nghiệp, cho cộng đồng xã hội và cho đất nước”, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Theo đó, vừa qua, Bộ KH&ĐT là cơ quan tham gia cùng Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Gần đây nhất, Bộ đã chủ trì nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030 với những quan điểm, mục tiêu và giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể, dài hạn nhằm nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội trên các lĩnh vực của đời sống.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đã thành lập Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới để cùng góp sức với các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, các chuyên gia trong nước thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đến nay đã quy tụ được hơn 1.000 thành viên và thiết lập được 5 văn phòng mạng lưới tại 4 quốc gia Mỹ, Đức, Nhật và Australia.

Trong tháng 12/2020, Bộ KH&ĐT đã ban hành “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025” nhằm thay đổi quy trình công nghệ, sản xuất, quản lý vận hành doanh nghiệp trên nền tảng số với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ về chuyển đổi số đến năm 2025.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định “phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp là trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh”. Thực hiện chủ trương đó, Bộ KH&ĐT đã và đang không ngừng lan toả tinh thần đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động của người dân, doanh nghiệp; coi trọng và tôn vinh những sáng tạo trong nghiên cứu, sản xuất, thúc đẩy sự liên kết, hợp tác hiệu quả giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu và các trường đại học; đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển, cống hiến và không ngừng đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp đặc biệt là thanh niên, tuổi trẻ Việt Nam. Với những ý nghĩa đó, ý tưởng về VIIE ra đời và sẽ trở thành sự kiện quốc tế thường niên của Việt Nam nhằm tôn vinh sản phẩm, công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo của người Việt, doanh nghiệp Việt.

Lần đầu tiên được tổ chức, Triển lãm đã quy tụ đầy đủ, tất cả các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, các viện nghiên cứu, trường đại học, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ, mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam và đặc biệt có sự góp mặt của các hợp tác xã, doanh nghiệp xã hội và cả các mô hình kinh doanh của người yếu thế có ứng dụng đổi mới và sáng tạo trong các khâu sản xuất.

Bên cạnh đó, với nhiều hoạt động bên lề như tọa đàm, kết nối kinh doanh…, Triển lãm sẽ trở thành "diễn đàn kết nối" các chuyên gia, nhà khoa học, các học sinh, sinh viên, doanh nghiệp, quỹ đầu tư để cụ thể hóa các ý tưởng đổi mới sáng tạo thành các ý tưởng kinh doanh, các sản phẩm thương mại và là nơi truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Từ đó, trong những năm tiếp theo, Triển lãm sẽ thu hút ngày càng nhiều sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ, các tập đoàn lớn trong khu vực và trên thế giới bởi những cơ hội tự nó mang lại, để giới thiệu những công nghệ mới, những thành tựu đổi mới sáng tạo nổi bật nhất, để tìm kiếm, thúc đẩy hợp tác và liên kết giữa các chủ thể hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.

Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021. Ảnh: Lê Tiên

Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút khởi công xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021. Ảnh: Lê Tiên

“Lễ khai mạc VIIE 2021 và khởi công xây dựng NIC là sự kiện đầu tiên trong năm 2021 về đổi mới sáng tạo, khởi đầu của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo mà Việt Nam đang nhanh chóng nắm bắt để bứt phá vươn lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về NIC, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Trung tâm được Thủ tướng Chính phủ "khai sinh" tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019. Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới chủ yếu do doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp. Với ý nghĩa đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định Trung tâm được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất theo quy định hiện nay.

Sau hơn một năm chuẩn bị, Trung tâm đã sẵn sàng để chính thức khởi công xây dựng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây sẽ là nơi quy tụ các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong và ngoài nước, nơi cung cấp các cơ sở nghiên cứu, không gian làm việc, thử nghiệm sản phẩm và điều kiện hạ tầng tốt nhất phục vụ cho nghiên cứu phát triển các ý tưởng công nghệ theo chuẩn mực quốc tế, đưa các ý tưởng đổi mới sáng tạo vào một hệ sinh thái đầy đủ và hỗ trợ thông qua các cơ chế thuận lợi, đặc thù, từ đó hoàn chỉnh vòng kết nối, thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, nghiên cứu phát triển và thương mại hoá sản phẩm.

“Lễ khởi công ngày hôm nay là hoạt động quan trọng đánh dấu sự hình thành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia quy mô, tầm cỡ và đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, thúc đẩy hình thành mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các địa phương, khu vực theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, góp phần quan trọng trong thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Bộ trưởng phát biểu.

Cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 10/1 hàng năm trở thành "Ngày Đổi mới sáng tạo của Việt Nam" để chúng ta trình diễn, tôn vinh hoạt động đổi mới sáng tạo của con người Việt Nam, trở thành niềm cảm hứng, sự hứng khởi cho mọi người dân "biến sáng tạo trở thành tài nguyên vô hạn cho phát triển bền vững đất nước" như chính kỳ vọng, mong muốn của Thủ tướng Chính phủ.

Để đảm bảo tiến độ NIC, Bộ trưởng yêu cầu ban quản lý dự án, nhà thầu thi công tập trung cao độ hoàn thành công trình đúng tiến độ.

Với sự khởi đầu đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Để vượt qua những thách thức và tận dụng được thành tựu công nghệ mới, chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, chung sức đồng lòng, đóng góp công sức, trí tuệ cho phát triển của đổi mới sáng tạo nước nhà và góp phần đưa nước ta phát triển nhanh và bền vững, và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”.

Tin cùng chuyên mục