![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân sáng ngày 16/5/2025 (ảnh: QH) |
Sáng 16/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Trước một số ý kiến tại phiên thảo luận cho rằng, việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh có thể tạo gánh nặng tuân thủ khi hộ kinh doanh phải chuyển sang chế độ kê khai nộp thuế mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc bãi bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm bảo đảm minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, tạo sự bình đẳng về chế độ thuế giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã tiến hành thí điểm chủ trương này tại một số địa phương. Qua thực tiễn triển khai thấy rằng, chính sách này hiệu quả và cần phải được triển khai chính thức trong thời gian sớm nhất. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt về công nghệ thông tin, cơ sở vật chất và các quy định liên quan để có thể sớm triển khai.
Nhằm tạo thuận lợi cho hộ kinh doanh kê khai nộp thuế sau khi bỏ thuế khoán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện chính sách thuế, phương án, phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế như là sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhằm bảo đảm thu đúng, thu đủ và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho hộ kinh doanh.
Đồng thời, để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi số, dự thảo Nghị quyết đã quy định Nhà nước hỗ trợ kinh phí xây dựng, thuê, mua các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung để cho hộ kinh doanh sử dụng miễn phí.
Về một số giải pháp, chính sách hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể để có thể phát triển thành doanh nghiệp, Bộ trưởng cho hay, nội dung này khi Chính phủ họp đã được đưa ra và bàn bạc rất kỹ về các giải pháp và các chính sách cụ thể. Chính phủ xác định đây là một trong những giải pháp trọng yếu để phấn đấu đạt mục tiêu số lượng doanh nghiệp đến năm 2030 là 2 triệu doanh nghiệp và đến 2045 là 3 triệu doanh nghiệp, cũng như đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.
"Các chính sách sẽ được thiết kế tại nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ, các chương trình hành động của Chính phủ và các luật liên quan để làm thế nào khuyến khích được các hộ kinh doanh cá thể mong muốn và sớm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm về việc rà soát một số cơ chế, chính sách tại Dự thảo Nghị quyết trong mối quan hệ với một số luật đang được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết đang trình Quốc hội tại Kỳ họp này khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 68 để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết lần này.
Đối với một số cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực có thể quy định tại Dự thảo Nghị quyết này, các luật đang được sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 thì sẽ quy định cơ chế, chính sách áp dụng chung cho các doanh nghiệp trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để bảo đảm không làm phá vỡ thiết kế chung của luật.
Đối với những nội dung cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và đang được quy định tại các luật, nghị quyết khác về thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận xử lý các vi phạm, vụ việc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết phá sản..., dự thảo Nghị quyết đưa ra một số quy định mang tính nguyên tắc để định hướng sửa đổi, bổ sung cho các pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tuân thủ đúng các yêu cầu Nghị quyết số 68 của Trung ương.
Về vấn đề một số đại biểu băn khoăn quy định thanh tra kiểm tra tối đa 1 lần/năm, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, có thể tạo ra lỗ hổng trong thực hiện quy định pháp luật, Bộ trưởng cho rằng, việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh đã được cụ thể hóa theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Nghị quyết nhằm chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp.