Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thăm phân xưởng sản xuất veston của May 10. |
Trong bộn bề công việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã quyết định tới thăm Tổng công ty cổ phần May 10. Lý do là ông muốn tìm hiểu về mô hình hoạt động của các DN sau cổ phần hóa, cũng như những thách thức mà DN gặp phải khi hội nhập, để kịp thời hoạch định chính sách. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa để trình Quốc hội.
“Dệt may cũng là lĩnh vực nhạy cảm với hội nhập, nhất là khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và bày tỏ sự lo lắng khi “nguyên tắc từ sợi” trong TPP có thể khiến nhiều DN dệt may Việt Nam khó được hưởng lợi.
Tại cuộc gặp, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc May 10 cho biết, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều DN đã dừng lại không dám đầu tư, song May 10 lại tăng tốc đầu tư trong giai đoạn này. “Vì thế, chúng tôi có cơ hội để đón đầu TPP”, bà Huyền nói.
Tự tin là vậy và cũng rất lạc quan rằng, khi TPP cũng như các FTA khác có hiệu lực, Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thiết lập, thì May 10 nói riêng, ngành dệt may Việt Nam nói chung có cơ hội lớn để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản…, song bà Huyền cũng không khỏi lo lắng khi xen lẫn “gió lành” vẫn sẽ là “gió độc” trong hội nhập. “Ưu đãi thuế quan không chỉ đem lại lợi ích, mà còn là thách thức. Vì các thị trường nhập khẩu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… cũng có thể tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam, tạo cạnh tranh khốc liệt ngay ở thị trường trong nước”, bà Huyền lo lắng.
Nỗi lo càng lớn hơn khi bà Huyền nhắc tới “nguyên tắc từ sợi” trong TPP. Hiện sợi sử dụng ở Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu, từ Trung Quốc tới 43%, Hàn Quốc 20%..., trong khi các nước TPP chỉ 9,7%. Mà nếu không sử dụng sợi xuất xứ từ TPP, cũng sẽ không được giảm thuế. Bài toán rõ ràng không dễ giải. Chuyên về may, chưa có kinh nghiệm về sợi, nên chưa dám đầu tư vào lĩnh vực này, bởi vậy May 10 có ý định “vời” nhà đầu tư nước ngoài về hợp tác sản xuất. Đối tác được nhắm đến là Tập đoàn Arvin của Ấn Độ.
Nghe May 10 kể rằng làm việc với đối tác Ấn Độ rất khó, do những khác biệt về văn hóa, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chỉ đạo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng hỗ trợ, nếu cần thiết thì tổ chức một đoàn công tác sang Ấn Độ để tìm hiểu và kết nối DN. Tìm được nguồn cung khác ngoài Trung Quốc là quan trọng và cần thiết.
Cũng với tinh thần sẵn sàng hỗ trợ DN như thế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã yêu cầu cẩn trọng hơn trong xem xét cấp chứng nhận đầu tư cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực dệt may, dệt nhuộm.
Để đón đầu TPP, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài, gồm cả Hồng Kông, Trung Quốc không ngừng đổ vốn vào Việt Nam. Nhưng điều này lại khiến không chỉ May 10, mà còn nhiều DN dệt may khác lo lắng. Bởi với ưu thế rõ rệt về tài chính, trình độ quản lý và công nghệ, các nhà đầu tư này chiếm lợi thế hơn hẳn DN trong nước. Nếu không khéo, lợi ích từ TPP, từ hội nhập sẽ chỉ thuộc về DN FDI. Hơn thế, việc thu hút FDI tràn lan mà thiếu tầm nhìn có thể sẽ phá vỡ quy hoạch vùng chiến lược. Chưa kể, nếu không kiểm soát tốt, còn là những ảnh hưởng tới môi trường.
“Chúng tôi đề nghị Nhà nước quy hoạch các khu công nghiệp sản xuất dệt may lớn tại 3 miền Bắc, Trung, Nam để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm - hoàn tất và hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại khác khu vực này”, bà Huyền kiến nghị và ngay lập tức được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đồng tình, ghi nhận, bởi đó là cách để kiểm soát tốt hơn các dự án FDI vào lĩnh vực này.
“Vừa rồi, chúng tôi đã yêu cầu Vĩnh Phúc xem xét kỹ một dự án dệt nhuộm của nhà đầu tư nước ngoài. Dự án này có nhu cầu sử dụng nước lớn, lại có thêm khâu nhuộm, có thể gây tổn hại đến môi trường”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và cho rằng, dù thu hút FDI là vô cùng cần thiết nhưng không phải bằng mọi giá và quan trọng là, làm sao để DN Việt Nam có thể cùng tham gia đầy đủ các công đoạn sản xuất, từ thiết kế, se sợi, dệt may, tới tiêu thụ sản phẩm. Chỉ có vậy, Việt Nam mới được hưởng lợi nhiều nhất từ hội nhập.
Rất nhiều nội dung khác cũng đã được chia sẻ tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và lãnh đạo May 10. Từ chuyện làm sao để các DN sử dụng nhiều lao động nữ như May 10 được hưởng các ưu đãi đầu tư, tới chuyện chi phí đầu vào ngày càng tăng khiến hiệu quả sản xuất - kinh doanh không cao, thậm chí cả chuyện vì Nhà nước vẫn đang nắm giữ hơn 30% vốn, nên May 10 chưa tự chủ được các quyết định đầu tư, kinh doanh của mình, mà theo bà Huyền, chỉ cần 3 lần xin ý kiến là một lần mất đi cơ hội…
Không phải bất cứ kiến nghị nào của DN cũng có thể ngay lập tức được giải quyết. Nhưng một khi các cuộc đối thoại thực chất như vậy thường xuyên được tổ chức, chính sách sẽ đi vào cuộc sống, DN được tạo thuận lợi trong sản xuất - kinh doanh và điều này sẽ dẫn tới lợi ích của quốc gia.