Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chống suy thoái kinh tế như chống giặc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đề xuất giải pháp điều hành nền kinh tế 6 tháng cuối năm tại Hội nghị Chính phủ với địa phương ngày 2/7/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh VGP
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương. Ảnh VGP

6 tháng cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong 6 tháng đầu năm, nước ta cơ bản thực hiện thành công nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát dịch thành công và phục hồi nền kinh tế ở mức hợp lý, trạng thái bình thường mới dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế, xã hội.

Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, nhiều quốc gia còn đang vật lộn với dịch bệnh và chưa thể có giải pháp hữu hiệu phục hồi nền kinh tế và có mức tăng trưởng âm, việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 1,81%. Tuy là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng là đáng ghi nhận, nước ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Đáng chú ý, mặc dù tăng trưởng GDP đạt thấp nhưng đã duy trì được nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm yếu tố quyết định để phục hồi và phát triển trong giai đoạn sau khi kết thúc dịch, một số chỉ tiêu chủ yếu dần phục hồi qua các tháng, tháng sau tích cực hơn tháng trước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc tăng trưởng GDP của quý II chỉ đạt 0,36% là điều đáng quan tâm. Nguyên nhân chủ yếu là do bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, thời gian cho hoạt động kinh tế đóng góp cho tăng trưởng không nhiều, chủ yếu tập trung vào tháng 6 do gần hết tháng 4 phải thực hiện chính sách cách ly xã hội, nhiều hoạt động bị ngừng trệ, tháng 5 mới bắt đầu làm quen dần với tình trạng bình thường mới. Nếu diễn biến dịch bệnh trên thế giới không có tín hiệu tích cực, việc đạt tốc độ tăng trưởng cao trong các quý cuối năm là rất khó khăn.

Hành động nhanh, mạnh mẽ hơn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chúng ta hiện đang kiểm soát thành công Covid-19 ở trong nước, nhưng không được phép chủ quan trước dịch bệnh, không được mất động lực trong bối cảnh đất nước an toàn trong khi nhiều nước còn đang vật lộn với dịch bệnh. Bối cảnh thế giới đã và đang đặt ra những thách thức lớn trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn đối với kinh tế Việt Nam nhưng cũng mở ra những cơ hội và động lực mới cho phát triển của nước. Tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh này, Bộ trưởng đánh giá, để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn.

Trước hết là xây dựng và quán triệt phương châm hành động mới để phục hồi và phát triển kinh tế. Trước hết các cấp, các ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, tuyệt đối không chủ quan, xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”.

Trong đó, tận dụng tối đa thời cơ và cơ hội để tạo động lực mới cho phát triển; phát huy tối đa các lợi thế để đón nhận hiệu quả sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ phát triển đất nước; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong nước... Đồng thời tham gia xây dựng các quy chuẩn, quy định, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực; mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn.

Thứ hai, nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.

Tiếp theo, khẩn trương tổ chức các Đoàn công tác của Chính phủ, đoàn công tác liên ngành và của từng bộ, ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng động lực, địa phương lớn (TP.HCM...) để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng.

Đồng thời, tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm; tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp về lao động, việc làm,...

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh phải khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và tăng cường xúc tiến thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài. Đẩy mạnh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công. Đây là giải pháp trọng yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Về mua bán, sáp nhập và hỗ trợ doanh nghiệp, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cần rà soát kỹ việc mua bán, sáp nhập nhất là đối với các doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế. Nhanh chóng xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp trong tình hình mới.