Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: “Coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp (DN) năm 2022 diễn ra ngày 11/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu vực DN đã có sự phục hồi tích cực nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Qua tổng hợp ý kiến của các hiệp hội DN, ngành hàng cho thấy, các tháng cuối năm 2022 tiếp tục đối mặt với 5 nhóm vấn đề: Giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương; tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó; biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu; một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh thách thức và cơ hội đan xen hiện nay, để hỗ trợ các DN chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh quan điểm cần hỗ trợ tối đa cho DN phát triển.

“Coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn cho DN là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương”, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề nghị và yêu cầu nêu cao tinh thần đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng DN. Tập trung triển khai ngay các giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề cấp bách của DN để khơi thông các điểm nghẽn, tạo đà phục hồi nhanh và phát triển bền vững…

Với quan điểm đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, thách thức.

Trước hết là khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để. Theo đó, khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đồng thời đẩy mạnh công tác thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác...

Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho DN, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng số, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, giúp cắt giảm chi phí về vật chất và thời gian.

Nghiên cứu triển khai hỗ trợ một số đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề của giá xăng dầu như hỗ trợ ngư dân bám biển, hỗ trợ DN vận tải, người có thu nhập thấp.

“Khẩn trương công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường; nghiên cứu áp dụng mức giá bán lẻ điện phù hợp đối với 'cơ sở lưu trú du lịch' để hỗ trợ phục hồi”, Bộ trưởng đề nghị.

Bên cạnh đó, tiếp tục có các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của DN; đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN khắc phục đứt gẫy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh; tăng cường hỗ trợ DN đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường, tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường nhất định; thúc đẩy liên kết các DN, sử dụng hàng hóa của nhau, giữ vững và chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Giải pháp thứ tư là tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt tiến độ thẩm tra, giải ngân gói hỗ trợ nhà trọ cho người lao động; hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho người lao động và DN thụ hưởng chính sách.

Bên cạnh các giải pháp trong ngắn hạn, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp hỗ trợ DN phát triển trong dài hạn. Đó là chú trọng tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN; hỗ trợ DN tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.

Đối với các hiệp hội DN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các tổ chức, hiệp hội DN cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường mới của ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh; thúc đẩy sự liên kết giữa các DN hội viên…

Đối với các DN, cần chủ động nắm bắt, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa DN; tái cấu trúc DN, tạo chuẩn giá trị mới; xây dựng uy tín và thương hiệu của DN Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của DN; mạnh dạn đầu tư hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại DN; tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mới, công nghệ kỹ thuật khoa học hiện đại...

“Với những chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là cộng đồng DN và doanh nhân, tôi tin tưởng rằng, các DN Việt Nam sẽ chủ động đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức, nắm bắt cơ hội, đón đầu xu hướng, tạo đà bứt phá và thiết lập vị thế mới trên bản đồ thế giới”, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT tin tưởng.

Tin cùng chuyên mục