Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đề nghị nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cản trở doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam tổ chức chiều ngày 11/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư của doanh nghiệp (DN).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp tại Hội nghị

Nhiều vướng mắc, rào cản pháp lý và thực thi

Thông tin tình hình phát triển doanh nghiệp (DN) 9 tháng năm 2023 tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh Chính phủ liên tiếp có những chỉ đạo để tháo gỡ các rào cản, khó khăn về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ DN phục hồi, nhưng cộng đồng DN vẫn tiếp tục phản ánh về những khó khăn, bất cập mới nảy sinh làm gia tăng gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ, trong khi những vấn đề bức xúc, tồn tại lâu nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

“Những bất cập, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn trong các quy định pháp lý, cộng với tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm” của cơ quan quản lý và đội ngũ công chức đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Theo báo cáo về tình hình hoạt động của DN 9 tháng năm 2023 được Bộ KH&ĐT gửi tới Hội nghị, một số vướng mắc đã được cộng đồng DN phản ánh đến các bộ, ngành liên quan và Chính phủ trong nhiều tháng qua, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, tạo nên gánh nặng chi phí và áp lực lớn đối với dòng tiền của DN, đặc biệt là trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu suy giảm mạnh, tiếp cận tín dụng khó khăn.

Cụ thể, về thủ tục đầu tư, quy hoạch, xây dựng, các DN phản ánh khó khăn vướng mắc do chậm phê duyệt quy hoạch; chưa có quy hoạch ngành; vướng mắc đối với dự án chuyển tiếp; xử lý đối với các dự án BT chuyển tiếp; các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Trong lĩnh vực bất động sản, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để tháo gỡ các vướng mắc thủ tục pháp lý, nhưng đây vẫn là "nút thắt" lớn nhất của thị trường này. Hiện còn gần 1.000 dự án bất động sản trên cả nước đang mắc kẹt pháp lý tính đến tháng 8, theo thống kê của Bộ Xây dựng; quy định phòng cháy, chữa cháy khiến nhiều công trình, nhà xưởng, nhà máy… xây dựng mới hoặc mở rộng không thể đưa vào hoạt động.

Về đất đai, DN phản ánh còn khó khăn trong việc tách bồi thường giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; thẩm quyền và thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng; thực hiện dự án lấn biển.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Về thủ tục xuất nhập khẩu, các DN phản ánh quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN) do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm 2023 (sau hai lần tạm dừng hiệu lực) đã khiến hàng trăm nhà sản xuất thép không gỉ không thể nhập khẩu nguyên liệu, dẫn đến hoạt động sản xuất bị ngưng trệ nghiêm trọng.

Các thủ tục hành chính khác còn có khó khăn trong việc hoàn thuế VAT của DN xuất khẩu ngành gỗ, cao su, sắn…; hay chưa có tiêu chuẩn, hướng dẫn sản xuất "xanh", tăng trưởng "xanh", phí phát thải…

“Những vấn đề trên cho thấy hiệu quả thực thi trong cải cách thể chế và môi trường kinh doanh vẫn chưa tương xứng với quyết tâm và chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ.

Trong khi đó, trong 9 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, thách thức do sức mua của thị trường suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm; áp lực chi phí cao và khó khăn trong việc tiếp cận vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh...

Tháo gỡ ngay những điểm nghẽn

Nhận định về những cơ hội trong phát triển DN thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế và chuyên gia, Việt Nam đang có một số lợi thế như: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được củng cố; các ngành kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn) đang tạo cơ hội cho DN Việt Nam hình thành các chuỗi giá trị, liên kết mới; vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao…

Tuy vậy, bên cạnh thuận lợi trên thì thách thức vẫn còn rất lớn, như: tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước lớn khó có thể chuyển biến nhanh trong ngắn hạn tạo rủi ro, sức ép lớn đến thị trường đầu ra và chi phí đầu vào của DN; các nước gia tăng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng hàng rào kỹ thuật, yêu cầu của thị trường về sản xuất xanh, bền vững đang đặt ra các thách thức lớn đối với DN trong nhiều ngành, lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng, thực tiễn này đã đặt ra câu hỏi lớn: “Cần phải làm gì, hành động gì để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm hỗ trợ và phát triển DN trong thời gian tới là nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của DN.

“Cần xác định rõ việc cải cách thể chế, tháo gỡ ngay những rào cản pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng là giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hiện nay nhằm tạo điều kiện cho DN vượt qua khó khăn và phục hồi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

Hiện còn gần 1.000 dự án bất động sản trên cả nước đang mắc kẹt pháp lý tính đến tháng 8. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Hiện còn gần 1.000 dự án bất động sản trên cả nước đang mắc kẹt pháp lý tính đến tháng 8. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Theo hướng này, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề nghị, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung giải quyết ngay những bất cập đã được DN phản ánh nhiều lần; cần vận dụng cơ chế “một luật sửa nhiều luật” đối với những vướng mắc, điểm nghẽn đã được làm rõ, đi kèm với quy trình thực hiện rút gọn để có thể thực thi ngay. Bên cạnh đó, toàn hệ thống cần nhất quán trong việc không ban hành thêm những quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và DN, hoặc không cần thiết cho công tác quản lý nhà nước. Đồng thời, cần triển khai hiệu quả cơ chế bảo vệ cho cán bộ công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 để tháo gỡ tâm lý và sức ỳ cho hệ thống công vụ.

Bộ KH&ĐT đề nghị, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến của các hiệp hội và cộng đồng DN khẩn trương rà soát, nhanh chóng có giải pháp bổ sung, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy nổ nhà và công trình theo hướng rà soát lại toàn bộ các quy định, yêu cầu khắt khe, không phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện và ban hành ngay trong tháng 10/2023.

Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN và các bộ, ngành trong việc soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó khắc phục một số vấn đề bất cập chồng chéo, chưa đồng bộ thống nhất các luật khác liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư, điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, thủ tục chuyển nhượng dự án, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp…

Bộ Công Thương nhanh chóng hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ về Quy định xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Trong đó, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội và cộng đồng DN trong việc mở rộng đối tượng được lắp đặt điện mặt trời mái nhà; đồng thời cần đề xuất cơ chế khuyến khích cụ thể, hấp dẫn, mang tính đột phá để thu hút đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mái nhà…

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ KH&ĐT cũng đề xuất một số giải pháp để hỗ trợ và phát triển DN như: tiếp tục hỗ trợ DN giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; hỗ trợ DN tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước…

Cùng với đó, cộng đồng DN cũng cần trăn trở và nỗ lực cùng với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước; nêu cao tinh thần dân tộc, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN.

Tin cùng chuyên mục