Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc tại Bình Định: Gợi mở định hướng phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ với lãnh đạo tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bình Định đã có nhiều thay đổi to lớn trong 5 năm qua. Với vị thế, tầm vóc như hiện nay, Bình Định đã sẵn sàng hoạch định tương lai, con đường đi của mình một cách chủ động, để có thể đưa Bình Định, đưa đất nước lên tầm vóc cao hơn, tranh thủ tốt nhất mọi cơ hội, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế.
Đoàn công tác thị sát Dự án Đường ven biển (ĐT.639), tỉnh Bình Định . Ảnh Cao Dung
Đoàn công tác thị sát Dự án Đường ven biển (ĐT.639), tỉnh Bình Định . Ảnh Cao Dung

Tiếp tục chuyến làm việc tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, ngày 7/7/2020, Đoàn công tác của Bộ KH&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã làm việc tại tỉnh Bình Định. Đây là địa phương thứ ba trong chuyến làm việc tại 6 địa phương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk của Đoàn công tác, nhằm nắm sát tình hình thực tế của từng địa phương, xác định khó khăn, ách tắc, điểm nghẽn, từ đó có giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện ở mức cao nhất có thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của địa phương và của cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thị sát Dự án Khu công nghiệp – đô thị Becamex A (phân khu 7), khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Cao Dung

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thị sát Dự án Khu công nghiệp – đô thị Becamex A (phân khu 7), khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Cao Dung

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, 6 tháng đầu năm 2020, GRDP của Tỉnh tăng 2,11% so với cùng kỳ, cao nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tỉnh phấn đấu cả năm tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bình Định xác định tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, với 5 trụ cột chính: Phát triển công nghiệp; Du lịch; Dịch vụ cảng và logistics (bao gồm cảng biển và cảng hàng không); Phát triển nông – lâm – thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; Phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, trong đó, tập trung vào 3 khâu đột phá. Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định. Thứ hai, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của Tỉnh nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Thứ ba, tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp.

Lãnh đạo Bình Định báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về Dự án Khu công nghiệp – đô thị Becamex A (phân khu 7), khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh Cao Dung

Lãnh đạo Bình Định báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về Dự án Khu công nghiệp – đô thị Becamex A (phân khu 7), khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh Cao Dung

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, tỉnh Bình Định có sự phát triển ấn tượng, nổi bật, thay đổi rất nhanh trong 5 năm vừa qua. Quy mô kinh tế, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách tăng cao. Diện mạo đô thị, nông thôn thay đổi lớn. Quy Nhơn đang trở thành một thương hiệu, điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2020 Bình Định là tỉnh duy nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đạt tăng trưởng dương, và mức tăng cao hơn trung bình cả nước. Có được những kết quả này là nhờ sự thống nhất trong lãnh đạo các cấp, có sự chủ động năng động sáng tạo quyết liệt, tư duy rất tốt, tầm nhìn rất tốt. Trong đó, hạ tầng hiện đại là yếu tố cần thiết để phát triển thời gian tới, lôi kéo phát triển kinh tế. Sự ủng hộ vào cuộc của cả hệ thống chính trị thông qua môi trường đầu tư, cải cách hành chính, sự ủng hộ của người dân thể hiện qua việc giải phóng mặt bằng rất tốt, từ đó giúp giải ngân đầu tư công cao.

Đoàn công tác thị sát Dự án Đường ven biển (ĐT.639), tỉnh Bình Định . Ảnh Cao Dung
Đoàn công tác thị sát Dự án Đường ven biển (ĐT.639), tỉnh Bình Định . Ảnh Cao Dung

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy mô kinh tế của Tỉnh còn nhỏ; tỷ lệ lấp đầy của KCN KKT còn thấp, thiếu vắng dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược có tác động lan tỏa, lôi kéo nền kinh tế của Tỉnh. Bộ trưởng cho rằng sắp tới Tỉnh cần tập trung thu hút được đầu tư. Bộ KH&ĐT sẽ hỗ trợ phối hợp chặt chẽ với Tỉnh để xúc tiến, kêu gọi. 6 tháng cuối năm Tỉnh cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành công trình trọng điểm sớm phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với UBND tỉnh Bình Định. Ảnh Cao Dung

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với UBND tỉnh Bình Định. Ảnh Cao Dung

Cho rằng Bình Định đã ở vị thế, tầm vóc khác, để có thể chủ động hoạch định con đường đi của giai đoạn phát triển sắp tới, Bộ trưởng gợi mở Tỉnh nên định vị lại xem tập trung vào ngành, lĩnh vực nào để tập trung, chủ động thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Nông nghiệp phải là trụ đỡ trong 5 năm tới. "Định hướng nên là nông nghiệp tạo ra hiệu quả cao gắn với chế biến, tiêu thụ. Không phải chỉ chú trọng đẩy mạnh sản lượng mà không biết chế biến, tiêu thụ ở đâu. Nên tối ưu hóa về giá trị chứ không tối đa hóa về sản lượng. Làm ít mà bán được, tạo ra giá trị gia tăng cao sẽ cải thiện đời sống nông dân hơn rất nhiều là chạy theo sản lượng, phá vỡ quy hoạch, môi trường, được mùa mất giá. Đồng thời phải phát triển nông nghiệp hữu cơ vì đó là xu thế...", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Với tầm nhìn dài hạn, Bộ trưởng lưu ý Bình Định phát triển thế mạnh du lịch nhưng tính toán cân bằng, hài hòa, hiệu quả cao, bền vững, đóng góp cho ngân sách, tăng thu nhập người dân. Về đầu tư hạ tầng, với nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng nguồn vốn có hạn, trước mắt Tỉnh nên sắp xếp ưu tiên, lựa chọn dự án nào quan trọng nhất, có tác động lan tỏa, đóng góp nhanh vào phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ trưởng, đầu tư cần có tầm nhìn, tập trung dồn lực "ra tấm ra món". Cân đối giữa các nguồn vốn, dự án nào vốn ODA, dự án nào ngân sách trung ương, ngân sách địa phương,... để tận dụng tối đa nguồn lực, không gây áp lực trả nợ về sau.