Lĩnh vực bổ trợ tư pháp có nhiều điều kiện kinh doanh cần cắt giảm |
Hàng ngàn văn bản sai thẩm quyền, nội dung
Thông tin tại buổi họp báo Quý III và tháng 10/2018, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã kiểm tra 1.074 văn bản của các bộ, ngành, địa phương; bước đầu phát hiện 23 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Thực hiện Nghị quyết 109/NQ-CP ngày 23/8/2018 và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bộ đã ban hành kế hoạch, có công văn đề nghị các bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố xử lý văn bản trái pháp luật gây ra, đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức có liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật; tổ chức đoàn công tác liên ngành kiểm tra, đánh giá việc xử lý văn bản trái pháp luật.
Hiện trên cả nước có 22 đầu mối cấp bộ; 63 đầu mối cấp tỉnh (mỗi tỉnh lại có HĐND, UBND); hơn 700 đơn vị cấp huyện (mỗi huyện lại có HĐND, UBND); hơn 10.000 đơn vị hành chính cấp xã (mỗi xã lại có HĐND, UBND) có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong năm 2017, kết quả của công tác kiểm tra và tự kiểm tra hơn 40.000 văn bản quy phạm pháp luật trên cả nước đã ban hành từ những năm trước đã phát hiện 5.639 văn bản có sai sót theo các loại: căn cứ pháp lý, sai thẩm quyền, sai nội dung, sai thể thức kỹ thuật, trình tự thủ tục.
Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp cho biết, trong số đó có 1.236 văn bản có sai về thẩm quyền và nội dung. Thực tiễn cho thấy những văn bản này có thể có những tác động tiêu cực, gây ra hậu quả cho tổ chức, cá nhân có liên quan.
Sau khi có kết quả kiểm tra này, Bộ Tư pháp đã có báo cáo Chính phủ và Chính phủ có chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp của các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, chỉ đạo xử lý triệt để đối với các văn bản trái pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận, gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 30/11/2018.
Ông Đồng Ngọc Ba cũng cho biết, Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp đôn đốc, hướng dẫn đơn vị trong việc xử lý văn bản trái pháp luật; thành lập các đoàn công tác liên ngành về kiểm tra tại cơ quan, địa phương có ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái quy định, kiến nghị biện pháp khắc phục hậu quả, xử lý trách nhiệm với cán bộ công chức có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2018.
Hiện Bộ Tư pháp đã xây dựng kế hoạch và triển khai 1 phần kế hoạch là sẽ đi kiểm tra trực tiếp vấn đề trên. Bộ Tư pháp đã đi kiểm tra tại 3 địa phương (Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương), thời gian tới sẽ kiểm tra 6 địa phương (Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai) và kiểm tra tại 3 bộ (Tài chính, Giao thông vận tải, Y tế). “Việc kiểm tra là để có thêm thông tin, còn các cơ quan, bộ, địa phương có văn bản trái pháp luật chưa được xử lý triệt để thì phải xử lý và gửi báo cáo bằng văn bản tới Bộ Tư pháp” – ông Đồng Ngọc Ba cho hay.
Có 49 điều kiện kinh doanh cần cắt giảm
Theo ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật thông tin, trong lĩnh vực của Bộ Tư pháp, Bộ đã rà soát được 94 điều kiện kinh doanh điều chỉnh các lĩnh vực do Bộ chủ trì, trong đó có 49 điều kiện kinh doanh cần được nghiên cứu cắt hoặc cắt giảm để đảm bảo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện.
Trong 49 điều kiện kinh doanh này thì có một số điều kiện nằm trong các nghị định thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Bộ cũng đã cắt giảm 7 thủ tục hành chính thông qua việc ban hành Nghị định của Chính phủ (Nghị định 124/2018/NĐ-CP ngày 19/9/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại). Cùng với đó, Bộ cũng đã trình lên Chính phủ 1 nghị định khác với việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh.
Còn lại, theo ông Trần Anh Đức, các điều kiện kinh doanh chủ yếu nằm trong luật, muốn sửa đổi các điều kiện này phải tuân theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với quy trình, thủ tục nhất định như: đánh giá tác động, xem xét sự cần thiết, lập hồ sơ Dự án Luật đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội thông qua việc Chính phủ lập đề nghị sửa các luật liên quan đến hoạt động của Bộ Tư pháp, trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như luật sư, giám định...
Hiện, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề nghị 1 luật sửa các luật liên quan đến lĩnh vực bổ trợ tư pháp; đồng thời nghiên cứu đề nghị sửa Luật Giám định tư pháp. Việc sửa luật, pháp lệnh phụ thuộc vào việc lập đề nghị và đưa vào chương trình xây dựng luật sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quyết tại phiên họp tới.