Bối cảnh đặc biệt cần cơ chế đột phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều ý kiến, bối cảnh phát triển của năm 2021 là vô cùng đặc biệt, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải bảo đảm không bị lỡ cơ hội, bứt phá sau đại dịch để đạt các mục tiêu đề ra… Vì thế, cần thêm một số cơ chế, giải pháp đột phá, đặc thù với cách tiếp cận mới, giải quyết được nhanh nhất những vướng mắc, đòi hỏi từ thực tiễn.
Để hoàn thành mục tiêu 5.000 km đường cao tốc đến năm 2030 cần có thêm những cơ chế đặc biệt. Ảnh: Lê Tiên
Để hoàn thành mục tiêu 5.000 km đường cao tốc đến năm 2030 cần có thêm những cơ chế đặc biệt. Ảnh: Lê Tiên

Ngày 16/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) cung cấp cho Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Nghị quyết giải quyết được vướng mắc từ thực tiễn là nguồn khoáng sản làm VLXDTT khai thác tại các mỏ còn thời hạn chỉ đáp ứng hơn 60% nhu cầu, có thể dẫn tới nguy cơ Dự án không hoàn thành đúng tiến độ. Nghị quyết đã cho phép UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Dự án đi qua được thực hiện một số cơ chế đặc thù để đáp ứng kịp thời nhu cầu VLXD cho Dự án. Đi kèm với thực hiện cơ chế đặc thù là yêu cầu về trách nhiệm của UBND các địa phương, về an toàn môi trường, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước... Cơ chế đặc thù sẽ dừng sau khi khai thác đủ khối lượng khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho Dự án.

Năm 2020, một cơ chế đặc biệt trong đầu tư công đã được Quốc hội chấp thuận, xuất phát từ nhu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh. Đó là Nghị quyết số 122/2020/QH14, theo đó, ủy quyền cho Chính phủ chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 trong phạm vi dự toán được giao. Quyết định này đã giúp Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành, thực hiện, nhanh chóng điều chỉnh, điều hòa vốn từ nơi kém hiệu quả, chậm giải ngân sang nơi giải ngân nhanh, hiệu quả cao. Đồng thời, Chính phủ báo cáo kết quả để bảo đảm cơ chế giám sát của Quốc hội. Đây là một trong những nhân tố quan trọng giúp giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020, là bài học tốt cho việc mạnh dạn triển khai thí điểm các cơ chế đột phá, từ đó có thực tiễn tổ chức đánh giá, nhân rộng để thể chế hóa thành quy định pháp luật.

Năm 2021 cũng có những điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân đầu tư công, đòi hỏi phải tháo gỡ hoặc có cách làm mới. Có thể kể đến vấn đề giá VLXD tăng mạnh nhưng vướng mắc trong điều chỉnh giá. Nhiều địa phương phản ánh, theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, việc điều chỉnh dự án chỉ thực hiện trong trường hợp chỉ số giá trong thời gian thực hiện dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư dự án được cấp có thẩm quyền quyết định. Giá vật liệu như sắt, thép, xi măng, đá, cát, sỏi… tăng trong thời gian qua tác động trực tiếp đến chi phí dự án, tổng mức đầu tư dự án nhưng không thuộc trường hợp được điều chỉnh dự án theo quy định, do nhóm hàng này có quyền số tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp nên không tác động nhiều đến CPI trong nước.

Để tháo gỡ, các bộ, ngành, địa phương cần được Quốc hội cho phép chủ động, chịu trách nhiệm điều chỉnh quyết định đầu tư dự án khi giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng sau khi đã sử dụng hết phần dự phòng trong tổng mức đầu tư dự án, bảo đảm phù hợp với thực tế, hiệu quả đầu tư dự án, trong phạm vi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và dự toán năm 2021 được giao.

Với nguyên nhân “muôn thuở” dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là vướng giải phóng mặt bằng, nhiều nhà tài trợ lớn như WB, ADB và nhiều địa phương đề xuất nên tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng, thực hiện trước, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch để chủ động được quỹ đất sạch ngay khi dự án được duyệt.

Để hoàn thành mục tiêu 5.000 km đường cao tốc cũng cần có thêm những cơ chế đặc biệt. Hay cần cơ chế đặc thù, vượt trội để nhanh chóng hình thành, hoàn thiện các trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, mở ra động lực tăng trưởng mới cho đất nước...

Nửa chặng đường của năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới - đã qua với rất nhiều khó khăn. Kết quả tăng trưởng dự kiến sẽ thấp hơn kịch bản đề ra và nhiệm vụ phía trước là rất nặng nề. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra nguy cơ lỗi nhịp phát triển là nhãn tiền.

Theo nhiều chuyên gia, năm 2021 phải có sự thay đổi rõ nét. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, lúc này không thể bình bình như cũ, mà cần tạo động lực mới, làm theo cách mới.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, trong điều kiện bất bình thường phải nghĩ đến giải pháp khác thường. Thực tế chưa có nhiều giải pháp khác thường, xoay ngược tình thế để phát triển, tận dụng cơ hội từ khủng hoảng.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc chia sẻ mong muốn Quốc hội sẽ có một nghị quyết đặc biệt giao quyền cho Chính phủ trong việc chủ động triển khai các biện pháp thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh, vì khi triển khai các giải pháp đặc biệt về phát triển kinh tế trong bối cảnh Covid-19 sẽ có những vấn đề có thể “đụng” đến các quy định pháp luật, giúp Chính phủ ứng phó nhanh hơn với dịch bệnh và phát triển kinh tế.

Nhiều ý kiến khác đánh giá các chính sách kích thích và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế còn chưa đủ mạnh, chưa có nhiều chính sách kích cầu, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước và ngành công nghiệp ưu tiên quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong nhiều chỉ đạo đã nhấn mạnh tinh thần chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, vướng mắc nào trong thẩm quyền của Chính phủ phải tháo gỡ ngay, vấn đề nào vượt thẩm quyền, pháp luật chưa quy định thì phải chủ động đề xuất, báo cáo sửa đổi, bổ sung, vì lợi ích chung của đất nước.

Và thực tiễn hiện nay đang đòi hỏi những cơ chế, giải pháp đột phá, đủ mạnh, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đi đôi với bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì mục tiêu chung.

Tin cùng chuyên mục