Bức tranh ảm đạm của thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát cho thấy kết quả kinh doanh sau nửa đầu năm 2022 của nhóm doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết tiếp tục có sự phân hóa. Trong đó, không ít doanh nghiệp quy mô lớn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp BĐS chưa phản ánh đúng thực tế thị trường dưới áp lực chính sách kiểm soát tín dụng và kết quả được ghi nhận từ các sản phẩm đã bán trong quá khứ.
Thị trường bất động sản bị ảnh hưởng mạnh bởi động thái kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Tiên Giang
Thị trường bất động sản bị ảnh hưởng mạnh bởi động thái kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Tiên Giang

Theo thống kê đến ngày 2/8, 60 doanh nghiệp BĐS niêm yết đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II với doanh thu đạt hơn 32.000 tỷ đồng và 7.680 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt giảm 43% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này có 28 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng.

Trong đó, hai ông lớn là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) và Công ty CP Vinhomes đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, Novaland ghi nhận gần 4.630 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 34,7%, trong đó doanh thu từ mảng chuyển nhượng BĐS đạt 3.722 tỷ đồng (giảm 41,3%). Lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.640 tỷ đồng, giảm 4,2%. Lợi nhuận của Novaland không giảm mạnh nhờ Công ty ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính 2.531 tỷ đồng, tăng 32,8%. Đối với Vinhomes, doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 13.453 tỷ đồng và 7.142 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 con số đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, Vinhomes và Novaland cũng là hai doanh nghiệp ghi nhận tiền khách hàng mua dự án đã thanh toán trước cao nhất ngành tính đến ngày 30/6, lần lượt hơn 48.975 tỷ đồng và 12.562 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được hạch toán vào doanh thu khi các doanh nghiệp hoàn thành và bàn giao nhà cho khách hàng.

Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp BĐS quy mô lớn khác cũng không khả quan như Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh với doanh thu 3.342 tỷ đồng (giảm 48,7%), lợi nhuận trước thuế 852 tỷ đồng (giảm 55%); Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín ghi nhận 495 tỷ đồng doanh thu (giảm 58%), lợi nhuận trước thuế 155,8 tỷ đồng (giảm 29,2%).

Ở chiều ngược lại, Công ty CP Đầu tư Nam Long, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng. Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền ghi nhận 875 tỷ đồng doanh thu, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên nhờ doanh thu khác lên đến 330,3 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận trước thuế tăng 23%, đạt 745 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp BĐS vừa và nhỏ khác như Công ty CP Đầu tư Hải Phát, Công ty CP Tập đoàn Nam Mê Kông, Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy, Công ty CP Địa ốc Chợ Lớn… ghi nhận sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận.

Một chuyên gia tài chính cho biết, theo thông lệ, doanh nghiệp BĐS thường bàn giao sản phẩm cho người mua nhà vào các quý cuối năm, lúc đấy họ mới ghi nhận doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên diễn biến thị trường phần nào phản ánh khó khăn mà các doanh nghiệp BĐS phải đối mặt.

Theo giải trình về hoạt động kinh doanh của Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland), trong quý II/2022 có nhiều biến động không thuận lợi như ngân hàng siết tín dụng và chính sách tăng cường kiểm soát thị trường trái phiếu, BĐS. Điều này dẫn tới nhu cầu đầu tư BĐS giảm mạnh, cùng với việc một số dự án đầu tư thứ cấp không kịp ra hàng trong quý II dẫn đến doanh thu đầu tư thứ cấp giảm, kéo theo lợi nhuận giảm. Sau nửa đầu năm, Cenland ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt giảm 30% và 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.566 tỷ đồng và 288,7 tỷ đồng.

Ngoài khó khăn về vốn, Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) cho biết, nguồn nguyên liệu đầu vào cho thi công rất thiếu do tập trung cho các dự án giao thông trọng điểm quốc gia.

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giá trị phát hành của doanh nghiệp BĐS trong quý II/2022 đạt gần 8,6 nghìn tỷ đồng, giảm 63% về số lượt và 79% về giá trị so với quý trước.

Theo dự báo của giới chuyên gia, sức cầu chung và thanh khoản thị trường có thể tiếp tục bị ảnh hưởng trong nửa cuối năm nay bởi động thái kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng như việc chống thất thu thuế chuyển nhượng BĐS của Bộ Tài chính.

Tin cùng chuyên mục