Bước khởi đầu tích cực cho năm bứt phá

(BĐT) - 2 tháng đầu năm 2019, nền kinh tế diễn biến ổn định, khởi sắc, là bước khởi đầu tích cực cho một năm bứt phá. “Tinh thần phải vượt kế hoạch trong năm 2019”, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ đi đôi với kiểm soát lạm phát được người đứng đầu Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019. Ảnh: Trần Thanh Hải
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019. Ảnh: Trần Thanh Hải

Ấn tượng FDI

Những số liệu về tình hình kinh tế tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy những chuyển động tích cực của nền kinh tế trong năm 2018 đã kéo dài sang đầu năm 2019. Kinh tế 2 tháng đầu năm tiếp tục ổn định, nhiều chỉ tiêu tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 9,2% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 13,7%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 5,9%...

Trong đó, con số vốn FDI giải ngân và thu hút mới được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là một kết quả ấn tượng. 2 tháng đầu năm 2019, vốn FDI thực hiện tăng 9,8% - là mức cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng. Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Số liệu về FDI là một dẫn chứng cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn. Đó cũng là kết quả của rất nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy cỗ máy kinh tế phát triển, vận hành trơn tru, đúng hướng.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019 diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, đất nước chưa bao giờ có điều kiện thuận lợi cho phát triển vượt bậc như hiện nay. Khẳng định lại tăng trưởng hiện nay là yêu cầu cấp bách, cần thiết để đất nước phát triển nhanh, bền vững, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực phấn đấu, tập trung, tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đồng thời sẵn sàng chủ động để nắm bắt các cơ hội mới.

Thủ tướng đã giao việc một cách cụ thể cho các bộ, ngành ngay tại Phiên họp để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Trong đó, ngay trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên. Bộ Tài chính tập trung tìm các giải pháp phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, dịch vụ tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp huy động trực tiếp nguồn vốn với chi phí thấp, đồng thời chia sẻ gánh nặng về huy động vốn và rủi ro cho hệ thống ngân hàng… 

Tranh thủ những thời cơ mới

Trong những cuộc trao đổi với báo chí gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần hết sức linh hoạt trong bối cảnh có nhiều thay đổi nhanh chóng để tận dụng mọi cơ hội có được từ sự thay đổi đó. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thương mại và đầu tư là hai lĩnh vực có nhiều dư địa về triển vọng để tận dụng các cơ hội mang lại. Cụ thể, việc chúng ta phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong năm 2018 là một yếu tố cần tận dụng để mở rộng và phát triển thị trường. Đồng thời, dòng vốn đầu tư toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều thay đổi trong năm 2019, trong đó khu vực ASEAN và Việt Nam vẫn là những điểm đến hấp dẫn. Vấn đề ở chỗ là chúng ta cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tận dụng cơ hội, đón nhận gắn liền với định hướng lựa chọn dự án có công nghệ cập nhật, dự án thân thiện môi trường, liên kết tốt với doanh nghiệp trong nước...

Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2019, Thủ tướng cũng đã khẳng định phải chủ động để biến nguy cơ thành thời cơ, chuẩn bị đón dòng vốn đầu tư mới trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhân Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên vừa kết thúc, phải lên chương trình kế hoạch để đẩy mạnh xúc tiến, tạo mọi thuận lợi cho thu hút FDI, nhất là các tập đoàn đa quốc gia công nghệ cao. Đồng thời, các Bộ trưởng: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vận dụng linh hoạt, sáng tạo, đồng bộ các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước biến động khó lường của kinh tế, thương mại quốc tế.