Tỷ lệ vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đã đạt 28%, tiệm cận mục tiêu đến năm 2020. Ảnh: Tiên Giang |
Nhiều doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng này đã bước đầu tìm được chỗ đứng.
Kết quả đáng khích lệ
Tại Hội thảo Vật liệu xây dựng mới, xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng diễn ra sáng qua (29/3), tại Hà Nội, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 (Chương trình 567) đã đạt được những kết quả tích cực.
Nhiều chính sách pháp luật khuyến khích phát triển VLXKN đã được ban hành như: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010; Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; Luật Đầu tư năm 2014; Quyết định 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; Thông tư 13/2017/TT-BXD ngày 8/12/2017 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng… Nhận thức của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương và cộng đồng DN cũng như người dân đã được nâng lên. Nhiều giải pháp triển khai tốt Chương trình 567 đã được thực hiện.
Đến nay, cả nước đã có 26 địa phương ban hành chỉ thị; 57 địa phương ban hành kế hoạch xóa bỏ lò thủ công, thay vào đó là xây dựng lộ trình, kế hoạch phát triển VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng đất sét nung. “Các địa phương đã chủ động hơn, quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thủ công cải tiến và lò vòng sản xuất gạch đất sét nung…”, ông Bắc ghi nhận.
Đặc biệt, theo ông Bắc, các DN tư nhân đã tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa sản phẩm. Điển hình như Công ty Gạch Khang Minh (Hà Nam) đã đầu tư 6 dây chuyền sản xuất gạch bê tông với tổng công suất 270 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm; Công ty Gạch khối Tân Kỷ Nguyên đã đầu tư 2 dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp… Một số công trình đã sử dụng 80 - 100% VLXKN. Đến nay, tổng công suất đã đạt mục tiêu mà Chương trình đề ra.
“Mục tiêu Chương trình 567 đặt ra là phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20 - 25% vào năm 2015 và 30 - 40% vào năm 2020. Nhưng trên thực tế, đến năm 2017, tỷ lệ này đã đạt tới 28% và đang có xu hướng tăng cao”, ông Bắc cho biết.
Với kết quả đạt được, Vụ Vật liệu xây dựng tính toán, hàng năm, chúng ta tiết kiệm được hơn 9 triệu m3 đất sét, hơn 900 nghìn tấn than và giảm thải hơn 3 triệu tấn CO2 ra môi trường.
Bên cạnh kết quả trên, ông Bắc bày tỏ, trên thực tế vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến Chương trình 567, hoặc chưa có giải pháp hữu hiệu nhằm tăng cường sử dụng VLXKN. Nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng còn chưa đầy đủ, thiếu cập nhật các quy định mới của Nhà nước, dẫn đến tình trạng vẫn còn nhiều công trình sử dụng vốn nhà nước cao trên 9 tầng chưa sử dụng VLXKN theo quy định.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp
Về thị trường vật liệu xây dựng năm 2018, ông Bắc dự báo, năm nay sẽ là một năm kinh tế phát triển tốt, ngành xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng nên nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ rất lớn, trong đó có VLXKN. Ông Trần Duy Phúc, Giám đốc điều hành - marketing Công ty CP Cơ khí và Vật liệu xây dựng Thanh Phúc nhận định, cả năm nay và năm sau, thị trường VLXKN sẽ tiến triển tốt, bằng chứng là từ đầu năm 2018 đến nay, Thanh Phúc đã ký được 15 đơn hàng cung cấp thiết bị.
Tuy nhiên, để VLXKN vào các công trình nhiều hơn, ông Bắc khuyến nghị, các nhà thầu cung cấp cần tiếp tục nâng cao chất lượng và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đối với các cơ quan quản lý, cần thực hiện nghiêm các quy định khuyến khích phát triển VLXKN. Cùng với đó, tiếp tục thông tin, tuyên truyền phổ biến Chương trình 567 cũng như các chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với lĩnh vực này.