Cả nước có 615 cụm công nghiệp nhưng chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ảnh: Lê Tiên |
Môi trường đang chịu áp lực lớn
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường diễn ra ngày 24/8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Tính đến tháng 1/2016, có hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế; có 787 đô thị với 3.000.000 m3 nước thải/ngàyđêm nhưng hầu hết chưa được xử lý. Những số liệu này cho thấy môi trường nước ta đang chịu áp lực rất lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Theo một số chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa, đầu tư phát triển rất cao, kéo theo nhiều áp lực đến môi trường. Song, nguy hại nhất là việc nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của chủ đầu tư, một số ngành, cấp chính quyền, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư còn hạn chế; tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án đầu tư.
Trong khi đó, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao, đặc biệt là trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Chưa coi trọng hậu kiểm
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đã tới lúc quy trình cấp phép cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cần thay đổi, thể hiện sự thông thoáng nhưng không phải dễ dãi. ‘‘Chúng ta có khá nhiều luật, tuy nhiên các luật này vẫn còn hạn chế. Đó là sự thiếu đồng bộ, thiếu coi trọng tính hai mặt của chính sách, nặng về tiền kiểm, chưa coi trọng hậu kiểm, đặc biệt còn thụ động chạy theo kết quả xử lý, không chủ động ngăn chặn từ đầu” - ông Phong nhận xét.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm: ‘‘Đã đến lúc chúng ta phải xây dựng chỉ tiêu “GDP xanh” trong đánh giá tăng trưởng kinh tế thay vì khái niệm GDP đơn thuần như hiện nay, trong đó có tính toán đến cả các chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc cần làm lúc này là sớm xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá, sàng lọc, lựa chọn ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, bảo đảm theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường.
Bên cạnh đó, chú trọng đến tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiểm soát đảm bảo việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường đối với những dự án đã đi vào hoạt động, trước hết là các dự án có nguồn thải ra sông, ra biển. Về lâu dài, phải tăng cường chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; sớm đưa các chế tài hình sự về môi trường vào áp dụng; hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước năm 2020.