Nhiều hình thức cho vay không rõ nguồn gốc, người dân khi tham gia sẽ dễ dàng dính bẫy của tín dụng đen. (Ảnh minh họa) |
Tại kỳ họp cuối năm 2018 của HĐND tỉnh Cà Mau vừa qua, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau Phạm Thành Sỹ cho biết, trên địa bàn tỉnh có các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” núp bóng công ty, doanh nghiệp để cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Ngành công an đã tăng cường nhiều biện pháp nghiệp vụ thu thập chứng cứ để xử lý.
Tuy nhiên, do các đối tượng này hoạt động tinh vi nên việc phát hiện gặp không ít khó khăn. Do đó, công an đã tổ chức các lực lượng theo dõi, xem xét các thông tin liên quan để xác lập giải pháp, kiên quyết xử lý tội phạm đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, không vay tiền của các đối tượng này.
Khoảng đầu tháng 12/2018, trên địa bàn TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) có xảy ra việc công an địa phương khi tuần tra trên đường Trần Hưng Đạo thì phát hiện, thu giữ 357 tờ rơi có nội dung tố cáo Công ty Đồng Tâm là nhà đầu tư dự án cao cấp Happy Home còn thiếu tiền công lao động, hứa hẹn nhiều lần mà không trả.
Điều tra ban đầu với người liên quan cho thấy, cách đây khoảng 2 tháng có một nhóm người đòi nợ thuê ở Hà Nội đến Công ty Đồng Tâm đòi số nợ hàng trăm triệu đồng. Nhiều khả năng nhóm người đòi nợ thuê phát tán tờ rơi liên quan đến Công ty Đồng Tâm và dự án Happy Home Cà Mau nhằm hạ uy tín, gây áp lực để buộc công ty thanh toán số tiền 500 triệu đồng.
Trên tinh thần chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, nhiều địa phương trong tỉnh đã vào cuộc như Công an huyện Thới Bình đã yêu cầu các lực lượng chủ động nắm tình hình hoạt động của các đối tượng cho vay ngoài hệ thống tín dụng, ngân hàng, nhất là nhóm đối tượng nghi vấn cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê dưới mọi hình thức.
Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu các đơn vị cơ sở tổng kiểm tra tất cả các tuyến đường, nơi công cộng…, để tháo gỡ, thu gom các tờ rơi, bảng quảng cáo “cho vay không thế chấp”; lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông chú ý phát hiện xe có logo của các công ty dịch vụ “cho vay không thế chấp", đòi nợ thuê từ nơi khác đến địa bàn hoạt động; tuyên truyền vận động cán bộ và nhân dân về phương thức, thủ đoạn và tổ chức hoạt động của đối tượng cho vay lãi nặng, xiết nợ, đòi nợ thuê; kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ;… để kịp thời ngăn chặn, xử lý, không để tội phạm lộng hành, gây mất an ninh trật tự địa phương.
“Đội trưởng Đội điều tra hình sự, kinh tế, môi trường; Trưởng Công an các xã, thị trấn và trinh sát phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm trước Trưởng Công an huyện, nếu để đối tượng phát tờ rơi, dán quảng cáo nhưng chậm thu gom, tháo gỡ, hoặc để xảy ra hoạt động cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê nhưng không phát hiện, xử lý” - Trưởng Công an huyện Thới Bình quán triệt.