Các Bộ trưởng Tài chính thống nhất 4 nội dung trình Hội nghị Thượng đỉnh APEC

Bên lề Hội nghị Hội nghị Bộ trưởng Tài chính (FMM) APEC 2017 vừa diễn ra ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí về các nội dung chủ yếu được bàn thảo và thống nhất giữa các nền kinh tế APEC.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VGP

Xin Bộ trưởng cho biết những nội dung được tập trung bàn thảo tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 vừa diễn ra?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Tại Hội nghị quan trọng này, trong lĩnh vực tài chính, chúng tôi đã đề xuất và được các nước thống nhất cao 4 chủ đề ưu tiên trọng điểm, phù hợp với các nền kinh tế APEC, đó là: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; tài chính bảo hiểm thiên tai và rủi ro thiên tai; cuối cùng là tài chính bao trùm.

Các nội dung bàn thảo tại Hội nghị lần này sẽ được báo cáo lên Ủy ban quốc gia APEC 2017 để chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11/2017. Theo tôi, 4 nội dung này có ý nghĩa quan trọng và được các Bộ trưởng thống nhất cao. Trong bối cảnh các nguồn lực có hạn, các đại biểu thảo luận và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tiến hành tái cơ cấu ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công, tạo động lực mới vun đắp tương lai, hướng đến phát triển bền vững cho các nền kinh tế APEC.

Các Bộ trưởng tiếp tục thảo luận tình hình triển khai Kế hoạch Hành động Cebu. Các Bộ trưởng cũng trao đổi với Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC, lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp khu vực về toàn cầu hoá, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ tài chính.

Các vấn đề thảo luận tại Hội nghị hôm nay đều là những thách thức quan trọng trong khu vực, đòi hỏi nỗ lực hợp tác của tất cả các nền kinh tế thành viên APEC, nhằm tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm tốt, giúp các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, ứng phó một cách có hiệu quả với những khó khăn, thách thức.

Những nội dung này có ý nghĩa thế nào với Việt Nam nói riêng và các thành viên APEC nói chung?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng tôi cho rằng, 4 nội dung đều rất quan trọng và có ý nghĩa với các nền kinh tế APEC nói chung và với Việt Nam nói riêng. Các nội dung này sẽ được đề xuất lên Hội nghị Thượng đỉnh tới đây vào tháng 11.

Riêng với Việt Nam, tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng và chống xói mòn cơ sở thuế, chuyển dịch lợi nhuận là những nội dung rất quan trọng, vì chúng ta đang trong quá trình hội nhập, phát triển.

Đồng thời, Việt Nam cũng đang cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, thì những nội dung này càng trở nên quan trọng hơn.

Như Bộ trưởng đã nói, một vấn đề đang được quan tâm là chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận. Các nhà lãnh đạo tài chính của APEC sẽ hợp tác thế nào để chống trốn thuế, chuyển giá?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Chúng ta sẽ phối hợp với các nền kinh tế APEC và phải theo các tiêu chuẩn, chuẩn mực của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) để cùng triển khai.

Trước hết, ở trong nước, chúng ta đã có một văn bản pháp quy rất quan trọng là Nghị định 20 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Chúng tôi đang triển khai quyết liệt việc này để vừa tăng thu cho ngân sách, mặt khác góp phần bảo đảm kinh doanh công bằng giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng dài hạn, việc chia sẻ rủi ro của Nhà nước với khu vực tư nhân cũng như huy động nguồn lực tư nhân rất quan trọng. Xin Bộ trưởng cho biết, qua trao đổi, các nước APEC có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Về đầu tư tài chính cho cơ sở hạ tầng là mục tiêu trước mắt cũng như trung hạn và dài hạn. Đây là ưu tiên nhằm phục vụ phát triển kinh tế bền vững.

Các Bộ trưởng Tài chính APEC đã thảo luận với nhau thống nhất cao về các cơ chế chính sách tài chính để thu hút các nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, từ các thành phần kinh tế khác ngoài nhà nước. Ngoài ra cần tính đến cả việc thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước vào đầu tư cơ sở hạ tầng.

Tin cùng chuyên mục